Khi các lệnh cách ly xã hội được nới lỏng, nhiều hãng hàng không đang vạch ra con đường thoát khỏi chế độ "ngủ đông". Họ cố gắng cải tổ các tuyến bay và dịch vụ, cân bằng các biện pháp an toàn, nhằm thuyết phục hành khách bước lên không gian kín của chiếc máy bay giữa đại dịch.
Tại Trung Quốc, nơi các chuyến bay nội địa đã hoạt động trở lại đáng kể, cơ quan quản lý hàng không đã công bố các biện pháp giãn cách xã hội. Hầu hết sân bay và hãng bay đều yêu cầu hành khách đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt. Một số hãng, như China Southern Airlines, không để khách ngồi cạnh nhau.
Các hãng bay Mỹ cũng bắt đầu yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay, nhưng cách thực thi cũng khá chung chung. Một số hãng khuyên các tiếp viên hàng không nên gây căng thẳng nếu hành khách từ chối đeo khẩu trang. CEO Frontier Airlines thì nói nếu ai đó không hợp tác, họ có thể chọn bước cuối là chuyển hướng chuyến bay.
Ryanair, hãng giá rẻ lớn nhất châu Âu, yêu cầu hàng khách giơ tay xin phép thành viên phi hành đoàn trước khi sử dụng nhà vệ sinh. Còn với Air France, hãy quên đi các đặc quyền của hành khách thương gia khi lên máy bay hãng này. Họ là một trong số những hãng cho các hàng khách ngồi phía cuối máy bay lên trước để tránh ùn tắc lối đi.
Xuống máy bay cũng có thể mất nhiều thời gian hơn bình thường, vì các hãng hàng không cố gắng kiểm soát dòng người. Ở một số hãng, tiếp viên sẽ mời lần lượt từng nhóm khách đứng dậy thu dọn hành lý.
Một số hãng hàng không đang xem xét yêu cầu hành khách ký xác nhận sức khỏe, hoặc thậm chí là yêu cầu họ mang theo giấy tờ chứng minh họ từng mắc Covid-19 nhưng đã chữa khỏi. Tại Mỹ, những điều này sẽ đe dọa cách thức hoạt động cũ vốn giúp ngành hàng không nước này có chuỗi tăng trưởng kỷ lục.
Trước đại dịch, các hãng bay cố tăng doanh thu bằng cách "nhồi" nhiều khách hơn vào cabin bằng cách thu hẹp chỗ ngồi và không gian giữa các hàng ghế. Họ cũng tính phí cho các dịch vụ bổ sung, ví dụ như việc chọn chỗ ngồi trước. Việc thay đổi cách thu phí dịch vụ và tính tiền hành lý ký gửi đã giúp mang lại hàng tỷ USD mỗi năm.
Hiện tại, các hãng đang được khuyến khích chừa ghế trống, khiến cho việc kiếm lợi nhuận trên mỗi chuyến bay khó khăn hơn. Đồng thời, nhóm khách hàng đi công tác, vốn sẵn sàng trả giá vé cao hơn để ngồi khoang thương gia, có thể chậm phục hồi do hoạt động đi lại quốc tế vẫn còn hạn chế, họp trực tuyến trở thành thông lệ hoặc các công ty vẫn duy trì thận trọng chính sách về đi công tác.
Hiện tại, một số hãng đã tạm dừng thu phí thay đổi chuyến bay. Vì thế, họ có thể gặp khó khăn trong việc thu phí trở lại khi đang phải tìm cách giúp hành khách yên tâm và loại trừ được người bị bệnh lên chuyến bay.
"Cộng đồng sẽ khó mà chấp nhận được một người nào đó rõ ràng là không khỏe bước lên máy bay", CEO JetBlue Airways Robin Hayes nói, "Các hãng hàng không phải tìm ra cách ứng phó với điều đó mà vẫn có lãi".
Air France đã kiểm tra thân nhiệt bắt buộc trước mỗi chuyến khởi hành. Hành khách có nhiệt độ trên 38 độ C không được lên máy bay. Phát ngôn viên của hãng cho biết đến nay, chưa hành khách nào bị từ chối lên máy bay. Hãng hàng không KLM ở Hà Lan đang yêu cầu hành khách từ các khu vực được Liên minh châu Âu chỉ định có rủi ro cao phải khai báo sức khỏe.
Sân bay ở thủ đô Canberra, Australia, đã sử dụng camera đo thân nhiệt để giám sát nhiệt độ hành khách đi qua cửa an ninh. Sân bay London Heathrow có kế hoạch tương tự để sàng lọc hành khách.
Korean Air cũng đã bắt đầu quét nhiệt độ hành khách bay ra khỏi Seoul. Air Canada đo nhiệt độ hành khách bằng nhiệt kế hồng ngoại không tiếp xúc. Frontier Airlines (Mỹ) có kế hoạch làm tương tự để giám sát hành khách lên máy bay.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng kiểm tra thân nhiệt có thể mang lại cho hành khách sự tự tin sai lầm, vì không thể xác định được những người nhiễm bệnh không có triệu chứng. Cơ quan quản lý an toàn hàng không châu Âu cũng không dự định yêu cầu kiểm tra thân nhiệt. Dự thảo của cơ quan này cho rằng kiểm tra thân nhiệt không có hiệu quả giảm lây nhiễm Covid-19.
Một trong những thách thức lớn nhất là giãn cách xã hội tại các sân bay và trên máy bay. "Giãn cách xã hội tại sân bay là không thể", John Holland-Kaye - Giám đốc sân bay Heathrow (London) khẳng định. Dù vậy, sân bay này đã lắp tấm chắn tại quầy thủ tục, khuyến khích đeo khẩu trang và tự động hóa nhiều hơn để hạn chế tương tác giữa nhân viên và hành khách.
Ông Holland-Kaye đang làm việc với các đối tác tại các sân bay ở Los Angeles, Hong Kong và Sydney để cùng triển khai các tiêu chuẩn này. "Chúng ta sẽ chẳng bao giờ đợi được đến lúc các tổ chức toàn cầu đồng ý áp dụng cho 172 quốc gia đâu", ông nói.
United Airlines cho biết sẽ thông báo trước cho hành khách nếu chuyến bay đó chở khách đủ số ghế, để khách quyết định có đi hay không. Động thái này diễn ra sau khi hình ảnh một chuyến bay của hãng nhét đầy khách mùa dịch lan truyền trên mạng xã hội gây phẫn nộ.
Peter DeFazio, Chủ tịch Ủy ban Hạ tầng và Giao thông vận tải Hạ viện Mỹ đã viết thư cho các tập đoàn hàng không lớn của Mỹ kêu gọi họ chở ít khách hơn. Nhưng các CEO nói rằng họ chẳng làm thế mãi được.
"Tôi hy vọng không có thêm những quy định không cần thiết", CEO Southwest Airlines Gary Kelly cho biết. Ông khẳng định bay với 60% số ghế là không khả thi về dài hạn. Tuy nhiên, Southwest Airlines cũng đang giới hạn số lượng ghế. Khi đặt chỗ vượt qua ngưỡng đó, họ sẽ cân nhắc mở thêm chuyến nếu đủ trang trải chi phí vận hành. "Ít nhất chúng tôi muốn có doanh thu", ông nói.
Đầu tháng này, Frontier Airlines đã nghĩ ra giải pháp. Để giúp hành khách yên tâm hơn, họ tính phí 39 USD nếu người đó muốn đảm bảo được ngồi cạnh ghế giữa trống. Tuần trước, Ryanair đã giới thiệu dịch vụ thủ tục an ninh nhanh và ưu tiên lên máy bay để tránh đông đúc.
Một thay đổi lớn khác là nơi bạn có thể bay. Máy bay cho các chặng dài đang nằm im vì đại dịch. Rất nhiều trong số đó sẽ từ giã bầu trời vĩnh viễn. Delta sẽ cho nghỉ hưu 18 máy bay Boeing 777, từng sử dụng cho các tuyến bay dài đầy tham vọng, như nối Los Angeles với Sydney.
Năm ngoái, các hãng hàng không chạy đua mở các chuyến bay dài. Dự án Sunrise của Qantas với đường bay thử nghiệm trực tiếp từ New York và London đến Sydney dài 19 giờ nay bị hoãn vô thời hạn.
American cũng cắt giảm bay quốc tế cho mùa hè và trì hoãn việc ra mắt các tuyến quốc tế mới vốn đã lên kế hoạch cho năm nay. Các chuyến bay từ Philadelphia đến Casablanca (Morocco), Chicago đến Krakow (Ba Lan) và Seattle đến Bangalore (Ấn Độ) bị lùi đến năm 2021.
Các hãng bay Mỹ như Delta, United và American Airlines đã tính toán lại các đường bay, ký kết thỏa thuận liên doanh với đối tác để đảm bảo sinh lợi. Họ tin rằng, du lịch quốc tế sẽ là một trong những phân khúc cuối cùng phục hồi. "Chúng ta sẽ không bay trên cùng một chiếc máy bay để đến cùng địa điểm như trong quá khứ", Doug Parker - CEO American Airlines kết luận.
Phiên An (theo Wall Street Journal)