Hiện nay, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) có 15 công ty con với tỷ lệ sở hữu từ 51% đến 100%. Theo thống kế, năm ngoái, 6 đơn vị của Vietnam Airlines đạt lợi nhuận trên 100 tỷ đồng gồm các công ty Kỹ thuật Máy Bay (VAECO), Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec), Suất ăn hàng không Việt Nam (VACS), Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS), Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCTS) và Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS).
Trong đó, TCS là công ty con lãi lớn nhất với hơn 393 tỷ đồng. Vietnam Airlines đang nắm 55% vốn tại công ty này. Đây là kho hàng hóa quốc tế đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất. Năm ngoái, TSC thu hơn 700 tỷ đồng từ phục vụ hơn 211.000 tấn hàng hóa.
Tiếp sau là NCTS - công ty cũng phục vụ hàng hóa đầu tiên tại sân bay Nội Bài với lợi nhuận trước thuế 272 tỷ. Doanh nghiệp này ghi nhận sản lượng hơn 300.000 tấn hàng với doanh thu hơn 724 tỷ đồng trong năm 2023.
Skypec, VAECO do Vietnam Airlines sở hữu 100% lần lượt lãi 176 tỷ và 142 tỷ đồng. Trước năm 2020, Skypec thường làm ăn tốt nhất của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, từ khi đại dịch xảy ra, rồi tiếp đó là giai đoạn giá nhiên liệu bay tăng cao gần đây, biên lợi nhuận "con gà đẻ trứng vàng" của Vietnam Airlines suy giảm mạnh.
Năm 2019, Skypec từng lãi hơn 650 tỷ đồng khi thu gần 29.400 tỷ đồng. Còn năm ngoái, doanh thu của công ty xăng dầu hàng không này đặt hơn 33.450 tỷ. Hãng hàng không quốc gia cũng có kế hoạch thoái bớt vốn tại Skypec và VAECO trong đề án tái cơ cấu tổng thể.
Hai đơn vị cũng được Vietnam Airlines nắm 100% vốn khác là VIAGS (chuyên cung cấp các dịch vụ phục vụ mặt đất tại nhà ga, sân đỗ) và VACS (chuyên cung cấp suất ăn) lãi 115 tỷ và 103 tỷ đồng.
TECS - công ty chuyển phát nhanh hàng hóa, dịch vụ logistic, khai thuế hải quan, kho bãi và lưu giữ hàng hóa được Vietnam Airlines năm 51% vốn cũng ghi nhận mức lãi gần 100 tỷ đồng. Năm ngoái công ty này kinh doanh với sản lượng hàng hóa trên 35.000 tấn.
Nhìn chung, trừ công ty mẹ và Pacific Airlines, 14 công ty con, hoạt động trong các lĩnh vực phụ trợ ngành hàng không của Vietnam Airlines đều có lãi với tổng cộng khoảng 1.410 tỷ đồng.
Dù vậy, so với trước dịch, mức lợi của các công ty con này mới bằng khoảng 60%. Năm 2019, 14 công ty này lãi tổng cộng hơn 2.330 tỷ đồng. Nhờ đó, Vietnam Airlines nhận về cổ tức xấp xỉ 1.200 tỷ đồng, tương đương hơn một số lãi của các công ty con. Nếu tính theo tỷ lệ này, năm 2023, các công ty con có thể đóng góp cho hãng hàng không quốc gia hơn 700 tỷ đồng.
Bên cạnh 14 công ty con, Vietnam Airlines còn có 4 doanh nghiệp liên kết. Năm ngoái, VALC công ty chuyên cho thuê tàu bay do Vietnam Airlines sở hữu gần 32,5% vốn cũng lãi trước thuế khoảng 16,8 triệu USD. Công ty này lãi lớn nhờ bán thanh lý các tàu ATR72.
Anh Tú