Theo Liên minh toàn cầu về Vaccine (Gavi), vaccine sởi là một trong những biện pháp y tế công cộng hiệu quả nhất hiện nay. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng giảm khiến bệnh vẫn bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2022, khoảng 136.000 người tử vong, tăng 43% so với năm 2021.
Ngoài ra, sởi là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở trẻ em tại các quốc gia nghèo. Bệnh gây mất thính lực, khuyết tật thần kinh và tăng khả năng bội nhiễm. 5 biểu đồ dưới đây đưa ra góc nhìn tổng quan về bệnh sởi toàn cầu.
Giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm
Trước khi vaccine được đưa vào sử dụng năm 1963, thế giới ghi nhận khoảng 2 triệu ca tử vong do sởi mỗi năm. Năm 1974, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triển khai Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (EPI), đưa sởi vào danh sách cần phòng ngừa bằng vaccine. Kể từ đó, số nhiễm giảm mạnh, từ gần 4 ca nhiễm được phòng thí nghiệm xác nhận vào năm 1980, còn khoảng 205.000 trường hợp vào năm 2022.
Vaccine cứu sống khoảng 97 triệu người
Khi các nhà nghiên cứu lập mô hình tác động của sức khỏe cộng đồng toàn cầu va fkhu vực trong 50 năm triển khai EPI, họ ước tính tiêm chủng ngăn ngừa 154 triệu ca tử vong kể từ năm 1974. Trong đó, 97 triệu sinh mạng được cứu sống nhờ tiêm chủng.
Tỷ lệ tiêm chủng đình trệ
Dù tỷ lệ trẻ em được tiêm hai liều vaccine sởi tăng lên, tính từ năm 2000, song gần đây có dấu hiệu chững lại. Năm 2023, chỉ 74% trẻ em trên toàn cầu được tiêm cả hai liều (66% ở các nước thu nhập thấp). Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng nói chung dừng ở 83%, thấp hơn 3% so với trước đại dịch.
Để giúp cải thiện tình trạng này, tháng 5/2024, Gavi đã phát động chiến dịch tiêm chủng bổ sung lớn nhất từ trước đến nay, với mục tiêu tiếp cận tới 100 triệu trẻ em trên 20 quốc gia châu Phi.
Dữ liệu cũng cho thấy tỷ lệ tiêm chủng hiện nay không đủ cao để đạt miễn dịch cộng đồng. Lý do, bệnh sởi có thể lây nhiễm rất nhanh, một người mắc sởi có thể lây cho 18 người khác. Như vậy, cần một tỷ lệ rất lớn dân số tiêm chủng sởi để đạt miễn dịch cộng đồng. Việc này cũng giúp những người không thể tiêm vaccine hoặc không đáp ứng hoàn toàn với vaccine cũng được bảo vệ.
Sau khi miễn dịch được thiết lập và duy trì, virus sẽ dần biến mất, tương tự cách thế giới xóa sổ bệnh đậu mùa. Để đạt điều kiện này, 95% dân số cần tiêm chủng sởi, nếu dưới ngưỡng này, các đợt bùng phát và tử vong do sởi có thể xảy đến.
Nguy cơ dịch sởi trở lại
Tỷ lệ tiêm chủng đình trệ ở nhiều quốc gia dẫn tới bệnh sởi tái phát giai đoạn 2018-2019 và hiện nay. Nhiều quốc gia trước đây không ghi nhận bệnh sởi, nay báo cáo có ca bệnh. Theo Gavi, nguyên nhân của tình trạng này là mức độ tiêm chủng không được duy trì, ca nhiễm có thể được "nhập khẩu" và lây lan nhanh chóng. Nguy cơ cao hơn ở một số khu vực hoặc cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em thấp.
Chi Lê