Phanh là bộ phận cần được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ nhằm giúp hiệu suất hoạt động ở mức tối ưu nhất. Tuy nhiên không phải tài xế cũng nhớ để thay thế các chi tiết hao mòn tự nhiên trên phanh đúng hạn, ví dụ như má phanh, dầu phanh hoặc đĩa phanh.
Do đó đôi lúc việc vô tình quên bảo dưỡng phanh, hoặc do các nguyên nhân khách quan khác, có thể khiến xe bị hiện tượng mất phanh. Lúc này bình tĩnh xử lý là cách tốt nhất để hạn chế tối đa tai nạn.
Các xử lý khi mất phanh
Trong trường hợp bị mất phanh khi đang di chuyển trên đường, tức phanh không còn tác dụng trong việc dừng xe, điều đầu tiên tài xế cần làm là giữ bình tĩnh, và xử lý theo các bước tuần tự.
Bất kể dùng số sàn hoặc số tự động, tài xế cần đưa xe về cấp số thấp nhất có thể, nhằm tận dụng hiệu ứng phanh động cơ, giúp xe giảm tốc hiệu quả hơn. Lưu ý không nên xuống số quá nhanh, mà chuyển theo tuần tự từ cao xuống thấp, không chuyển về N (mo) vì sẽ không còn sử dụng phanh động cơ để giảm tốc được nữa.
Bên cạnh đó, tài xế nên thử đạp phanh liên tục nhằm tạo ra áp suất trong đường ống dầu phanh, trong trường hợp mất phanh do hư hại ở đường ống, có thể giúp piston phanh kẹp lại và khiến phương tiện giảm tốc độ.
Cách thức cuối cùng cần làm là sử dụng phanh tay, kéo một cách vừa phải, không thực hiện đột ngột. Với phanh tay điện tử, tài xế nhấn nút hoặc kéo lẫy cho đến khi có lực phanh. Lưu ý xe có thể bị trượt bánh trong tình huống này, do đó đây chỉ là cách thức cuối cùng để giảm tốc độ phương tiện khi cần thiết. Ngoài ra phải đảm bảo xung quanh an toàn, không có xe, vật cản khi kéo phanh tay.
Trong trường hợp mất phanh, tuyệt đối không được tắt máy, vì sẽ không có trợ lực lái, trợ lực phanh và phanh động cơ, xe cực kỳ dễ mất kiểm soát, dễ xảy ra tai nạn.
Khi tất cả những cách thức trên không hiệu quả, hãy tìm một nơi không có người để lao xe vào, có thể là bụi cây, cánh đồng. Nếu trên đường đèo, hãy cho xe cạ dần vào taluy dương. Nếu trong thành phố, các dải phân cách có thể sử dụng để giảm tốc, hoặc bất cứ nơi nào không có thiệt hại về người.
Các dấu hiệu nhận biết phanh có nguy cơ hư hỏng cao
Trước khi hệ thống phanh bị giảm tác dụng dừng xe xuống mức nguy hiểm, sẽ có nhiều dấu hiệu để cảnh báo cho tài xế biết nhằm kịp thời thay thế, sửa chữa và bảo dưỡng phanh.
Các dấu hiệu này bao gồm tiếng động lạ khi phanh, thường là như tiếng kim loại ma sát với nhau, gây ra tiếng chói tai, vì trên một số má phanh khi mòn gần hết sẽ lộ ra miếng kim loại nhỏ, tiếp xúc với đĩa phanh tại ra tiếng động cảnh báo. Ở một số hệ thống phanh có trang bị hệ thống đo độ mòn qua cảm biến điện tử, tài xế sẽ được thông báo má phanh cần thay thế qua màn hình lái.
Trong trường hợp xe bị rung hoặc trượt về một phía khi phanh, rất có thể đĩa phanh trên một hoặc nhiều bánh đã bị cong, khiến lực phanh phân bổ không đều, và làm xe bị rung vì bề mặt đĩa không còn phẳng.
Khoảng cách phanh xa hơn bình thường là dấu hiệu cảnh báo đĩa phanh đã mòn, hoặc dầu phanh đã bị vơi, khiến lực đạp phanh không còn chính xác như trước. Ngoài ra, khi dầu phanh xuống dưới mức quy định, bàn đạp phanh có thể mềm hơn bình thường, cảm giác đạp không còn chắc chắn.
Hầu hết ôtô đều được trang bị cảm biến hoặc công cụ chẩn đoán tự động, nếu có lỗi ở hệ thống phanh, đèn báo sẽ được hiện trên màn hình lái. Do đó, nếu gặp nhưng hiện tượng trên, tài xế nên cho xe vào kiểm tra và sửa chữa tại các xưởng dịch vụ chính hãng.
Tân Phan