Hôm 25/4, cây bút Brian Welk của IndieWire cho biết các rạp phim ở Mỹ sắp chiếu lại nhiều tác phẩm, như Run Lola Run (1998) - đề cử giải Sư Tử Vàng Liên hoan phim Venice lần thứ 55, Spirited Away (2001) - tượng vàng Oscar cho Phim hoạt hình hay nhất, Interstellar (2014) của Christopher Nolan và Hereditary (2018) do Ari Aster đạo diễn.
Các cuộc đình công ở Hollywood vào năm ngoái là nguyên nhân khiến các nhà phát hành quyết định chiếu lại phim cũ. Trong đó, nhà phân phối buộc phải trì hoãn việc ra mắt dự án mới, còn rạp phim gặp tình trạng thiếu phim. "Ngoài lý do trên, nhiều công ty phát hành đang coi việc chiếu lại phim là cách tiếp cận khán giả trẻ", IndieWire viết.
Năm ngoái, Neon - công ty công ty sản xuất và phân phối phim độc lập của Mỹ - tái phát hành Oldboy (2003) của Park Chan Wook, đạt 2,1 triệu USD toàn cầu. Tại hội thảo CinemaCon - sự kiện gặp gỡ các nhà làm phim lớn nhất thế giới - hôm 8/4, chủ tịch Neon - Elissa Federoff - cho biết: "Những gì chúng ta xem là cũ kỹ lại là thứ mới mẻ đối với khán giả trẻ", Federoff cho biết.
Trong khi đó, hãng phim A24 củng cố thương hiệu bằng việc chiếu các phim Ex Machina (2014) và Uncut Gems (2019). Chủ tịch mảng phân phối phim của Focus Features, Lisa Bunnell, cũng góp mặt trong hội thảo CinemaCon, cho biết: "Chúng tôi có kế hoạch giúp mọi người biết đến những bộ phim ra mắt ở hiện tại lẫn trong quá khứ. Trong đó, các phim của hãng - Dazed and Confused (1993), Shaun of the Dead (2004) - đều được chiếu lại vào dịp kỷ niệm ra mắt bộ phim".
Theo IndieWire, nhờ sức hút của các tác phẩm, các công ty chỉ mất một khoảng thời gian ngắn và chi phí nhỏ để quảng bá, đồng thời tạo xu hướng cho gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) quan tâm đến các dự án trong tương lai của hãng. Ngoài ra, các rạp chiếu phim cần nắm bắt cơ hội để tạo điều kiện cho khán giả ở mọi độ tuổi quay lại thói quen xem phim ở rạp sau thời gian dài các nền tảng xem trực tuyến phát triển.
Một số chuỗi rạp chiếu tăng lượng bán vé cho các tác phẩm ít được chú ý, như tuyển người quản lý các sự kiện ra mắt phim, hợp tác với các nhà phân phối như Blumhouse và A24 để chia phần trăm lợi nhuận, cung cấp các đặc quyền cho khách hàng thân thiết nhằm tăng doanh thu.
Trên diễn đàn CinemaCon, Bunnell nêu ý tưởng: Thứ 4 mỗi tuần sẽ có các buổi chiếu phim "chuyên biệt" ở Mỹ. Tác phẩm có thể là những bộ phim mới lẫn cũ, từ các nhà phân phối như Searchlight, Focus, Neon, Bleecker Street, với mức giá ưu đãi. Điển hình, hôm 3/4, Neon bán vé xem Immaculate (Tu viện máu, 2024) với giá 6,66 USD (gần 170.000 đồng), thay vì mức giá từ 9 USD đến 20 USD thông thường (228.000 đồng - 507.000 đồng).
Để làm được điều này, rạp chiếu phim và nhà phân phối sẽ phải trao đổi quyền lợi. Trong đó, các rạp tổ chức các buổi xem trước để quan sát thị hiếu khán giả, tìm hiểu những mong muốn của nhà phân phối để lập kế hoạch tiếp thị đạt hiệu quả.
Đối với các nhà phân phối, Bunnell và Federoff đều cho rằng các tác phẩm của họ cần xuất hiện nhiều hơn trên trang bán vé của rạp, đồng thời phân bổ đồng đều các suất chiếu, góp phần tăng hiệu ứng truyền miệng.
Bunnell nói: "Nếu bạn đột ngột đưa Poor Things ra 3.000 rạp, nó sẽ chết. Everything Everywhere All At Once cũng sẽ gặp trường hợp tương tự. Không ai hiểu nội dung của chúng nói về cái gì. Chúng ta cần thời gian, sự kiên nhẫn và phản ứng từ khán giả để lôi kéo mọi người đến rạp".
Phát biểu với báo chí tại CinemaCon, chủ tịch Hiệp hội các rạp chiếu phim Mỹ Michael O'Leary cho biết mối quan hệ giữa rạp chiếu phim và nhà phân phối đang đi đúng hướng. Các rạp đang kêu gọi các nhà phân phối sử dụng chiến dịch tiếp thị của mình để cải thiện việc tiếp cận khán giả địa phương. "Bề ngoài, việc hợp tác của rạp phim và nhà phát hành có vẻ không đáng kể. Nhưng nếu cả hai cộng tác đủ lâu, lợi nhuận thu được từ thị trường điện ảnh sẽ tăng lên", O’Leary cho biết.