Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) tăng lên trong 7 năm liên tiếp, tiến sĩ Leandro Mena, Giám đốc bộ phận phòng chống STD của CDC, cho biết.
Theo đó, giám sát về STD năm 2020, công bố ngày 12/4, cho thấy vào cuối năm 2020, số ca nhiễm lậu, giang mai nguyên phát và thứ phát tăng lần lượt 10% và 7% so với năm 2019. Bệnh giang mai ở trẻ sơ sinh, còn gọi giang mai bẩm sinh, tăng 15% so với năm 2019 và 235% so với năm 2016. Các ca giang mai bẩm sinh tiếp tục tăng vào năm 2021.
Chlamydia chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục được báo cáo. Nửa đầu năm 2020 số ca bệnh có xu hướng giảm. Song theo các chuyên gia, điều này là do thiếu điều kiện tầm soát, không phải số ca mới thực sự giảm.
Bệnh có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng, thậm chí vĩnh viễn đến hệ sinh sản của phụ nữ, làm cho chị em khó hoặc không thể mang thai về sau. Chlamydia cũng gây ra hiện tượng thai ngoài tử cung trong một số trường hợp.
Theo ông Mena, sự gia tăng này bắt nguồn từ việc giới chức giảm tài trợ cho y tế công cộng; người dân khó tiếp cận các dịch vụ sàng lọc, điều trị, phòng ngừa bệnh tình dục; việc sử dụng chất kích thích gia tăng... Tất cả đều liên quan đến điều kiện kinh tế xã hội, trong đó Covid-19 đóng vai trò lớn.
Tiến sĩ David Rosenthal, Giám đốc y tế của Trung tâm HIV trẻ em, trẻ vị thành niên tại Trung tâm Y tế Nhi Cohen ở New York, công nhận số ca nhiễm STD đang gia tăng. Theo ông, điều quan trọng cần làm hiện tại là phải đẩy mạnh hệ thống xét nghiệm sàng lọc trở lại vì khi bệnh được phát hiện thì mới có thể tính đến các biện pháp phòng ngừa lây lan.
Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ y tế đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ kỳ thị, bằng cách lồng ghép thông điệp phòng chống STD vào các hoạt động thường ngày, tạo môi trường thân thiện cho tất cả mọi người, tiến sĩ Mena nhận định và khuyến cáo người dân thực hiện xét nghiệm STD hàng năm.
Thục Linh (Theo Medical Express)