Khỏi Covid, người đàn ông 35 tuổi mệt mỏi, kém tập trung và không hứng thú chuyện chăn gối như trước. Đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội khám, bệnh nhân cho biết chỉ mắc Covid triệu chứng nhẹ và khỏi bệnh sau một tuần nhưng vẫn mệt mỏi kéo dài, kèm giảm ham muốn và có biểu hiện rối loạn cương. Kết quả xét nghiệm cho thấy lượng testosterol của anh chỉ còn 7,9 nmol/L, trong khi phạm vi bình thường dao động 10-28 nmol/L.
"Đây là dấu hiệu điển hình của suy sinh dục và cần có chỉ định dùng thuốc điều chỉnh hormone testosterol", bác sĩ Phạm Minh Ngọc, chuyên khoa Nam học, nói. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến mệt mỏi, thất vọng, phiền muộn, lãnh cảm, giảm khả năng sinh sản và rạn nứt quan hệ vợ chồng. Để điều trị, bác sĩ kê cho anh thuốc đặc hiệu và hướng dẫn kết hợp chế độ luyện tập, ăn uống để sớm hồi phục.
Tình trạng rối loạn sinh dục cũng gặp ở phụ nữ. Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết gần đây có nhiều chị em đến khám do ngại sinh hoạt vợ chồng sau khỏi Covid. Như bệnh nhân 25 tuổi, mất hẳn ham muốn, lảng tránh, thậm chí áp lực tâm lý vì không muốn quan hệ dù cả hai mới kết hôn. Tình trạng này kéo dài hai tháng không dứt, chị đến bệnh viện kiểm tra.
Lý giải điều này, bác sĩ Ngọc cho biết Covid không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục và thường gặp hơn ở nam giới. Nguyên nhân do virus tấn công trực tiếp vào tinh hoàn tại tế bào Leydic thông qua cơ chế với chất ACE-2; tấn công vào mạch máu nhỏ ở dương vật làm suy chức năng mạch máu, giảm tưới máu dương vật, gây rối loạn cương. Các di chứng lâu dài của Covid tại phổi như xơ hóa phổi có thể gây thiếu oxy mạch máu dương vật, dẫn đến cương kém. Hoặc, người có vấn đề về hô hấp sau Covid có thể trở nên quá mệt mỏi, hụt hơi khi quan hệ tình dục. Với những người bị rối loạn cương từ trước, di chứng sẽ khiến tình trạng cương kém hơn, thậm chí gây rối loạn tình dục ở cả những người tiền sử khỏe mạnh.
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy khoảng 24% nam giới sau nhiễm Covid có ghi nhận giảm lượng testosterone, và điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu sinh lý. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng việc giảm testosterone này tới tình trạng mệt mỏi kéo dài hoặc các biểu hiện khác và không phải ai cũng bị suy giảm ham muốn hậu Covid.
Đại dịch cũng khiến phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều áp lực như cơm áo gạo tiền, lo âu cho sức khỏe, cách ly điều trị và cả việc không có không gian để sẻ chia... dẫn đến căng thẳng, nhàm chán tình dục. "Song, nữ giới may mắn hơn khi chưa thấy bằng chứng có tổn thương Covid-19 ở cơ quan sinh dục", bác sĩ Thành cho hay.
Theo bác sĩ, nữ giới giảm ham muốn thường do chán nản nên không muốn quan hệ hoặc muốn quan hệ nhưng lại lo ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, quan hệ vợ chồng đúng cách giúp kích thích hệ miễn dịch, tăng cường khả năng chống chọi với virus," kể cả khi mắc Covid nhưng triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng vẫn có thể sinh hoạt bình thường giúp cải thiện tâm lý, tinh thần, nâng cao tình cảm gia đình".
Trường hợp F0 sốt cao, khó thở, suy hô hấp... nên kiêng quan hệ tối thiểu ba ngày hoặc F0 không triệu chứng nhưng mắc bệnh nền như suy tim, suy hô hấp... cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, không quan hệ tình dục và stress là một vòng xoáy lặp đi lặp lại. Ví dụ, khi tâm lý bất ổn sẽ dẫn đến sinh hoạt vợ chồng không thoải mái và khi sinh hoạt không thoải mái thì càng khiến stress gia tăng. Chưa kể, khi mắc bệnh, thể trạng yếu hơn, suy giảm ham muốn là điều dễ hiểu, thậm chí nhiều trường hợp vợ chồng sau khi khỏi bệnh đã không quan hệ đến hai hoặc ba tháng. Do đó về mặt khoa học, hai vợ chồng nên cố gắng sinh hoạt tình dục lại sớm để giải tỏa căng thẳng đồng thời nâng cao sức khỏe.
"Có thể lúc đầu không hứng thú nhưng thường xuyên gần gũi sẽ giúp hai vợ chồng nhanh lấy lại cảm xúc hơn", bác sĩ nói.
Bác sĩ khuyến cáo, F0 khỏi bệnh nên chú ý lắng nghe cơ thể của mình. Nếu như có những biểu hiện như mệt mỏi, mất tập trung, thờ ơ, giảm ham muốn, lãnh cảm tình dục, cương dương kém... thì phải thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh. Không hút thuốc lá, không uống rượu, bia, không sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện; tập thể dục ít nhất 15-20 phút/ ngày, tập các bài tập cải thiện thông khí phổi. Hai vợ chồng nên bổ sung dinh dưỡng, tăng cường tập luyện, không thức khuya, hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, thức ăn nhanh, đồ chiên rán, mỡ, nội tạng động vật.
Trường hợp bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe sinh sản, rối loạn tình dục, cần gặp bác sĩ tư vấn để được điều trị kịp thời.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa hội chứng hậu Covid -19 xảy ra ở những người nhiễm bệnh được ba tháng, với triệu chứng xuất hiện và kéo dài ít nhất hai tháng mà không lý giải được bằng các chẩn đoán khác. Tùy thuộc vào các tổn thương do Covid gây ra hoặc các biến chứng tại thời điểm thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị phù hợp.
Minh An