Diếp cá có alkaloid, flavonoid và tinh dầu. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây. Vị cay, hơi lạnh, hơi độc; vào phế và can, diếp cá có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu thũng; dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản, hen suyễn, áp-xe phổi, phù nề, hội chứng lỵ cấp, viêm đường tiết niệu đái rắt, đái buốt, huyết trắng, khí hư, mụn nhọt. Liều hàng ngày dùng 10-30 g khô, 30-60 g tươi.
Sirô diếp cá giải nhiệt mùa hè, còn rất tốt cho người viêm khí phế quản, sốt, ho nhiều đờm.
Trị lao phổi ra máu, khạc ra đờm hôi: Ngư tinh thảo 63 g, trứng gà một quả. Lấy ngư tinh thảo ngâm với một bát nước khoảng một giờ. Sắc nhanh, bỏ bã, cho trứng gà vào, đánh đều, ăn từ từ; ngày dùng một lần, liệu trình điều trị 15-30 ngày.
Dùng cho người viêm khí phế quản, sốt ho nhiều đàm (đàm nhiệt khái thấu): Sirô tỳ bà diếp cá: lá diếp cá 60 g, lá tỳ bà 20 g, nước ép bí đao 100 ml. Lá diếp cá và tỳ bà đem ép lấy nước. Các nước ép cùng đem trộn đều, thêm chút đường trắng hòa tan.
Dùng cho người khái huyết lao phổi, áp-xe phổi, viêm khí phế quản ho nóng sốt. Ngư tinh lô căn ẩm: ngư tinh thảo 30 g, lô căn 30 g. Sắc lấy nước, thêm chút đường khuấy tan đều chia 2 lần uống trong ngày.
Bệnh nhân viêm phổi cấp, viêm đường tiết niệu sốt nóng, ho, tiểu dắt tiểu buốt, nổi ban dị ứng. Dùng bài: Ngư tinh kim ngân hoa ẩm: ngư tinh thảo 30g, kim ngân hoa 15 g, bạch mao căn 30 g, liên kiều 15 g. Sắc lấy nước, pha thêm chút đường trắng, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Chữa đơn sưng: Diếp cá 15 g, nhọ nồi 15 g, cải rừng 15 g, xương sông 15 g, dưa chuột 15 g, khế 15 g, đơn đỏ 15 g, huyết dụ 15 g, xích hoa xà 3 lá, bí đao 3 lát, củ nâu 3 lát. Tất cả giã nát, thêm nước và vắt lấy nước uống, bã đắp vào chỗ sưng.
Chữa sởi: Diếp cá 15 g, rau diệu 15 g, đậu chiều 12 g, cam thảo đất 12 g. Sắc uống làm 2 lần trong ngày. Thuốc thúc sởi mau phát ra ngoài.
Kiêng kỵ: Không dùng cho người thể trạng hư hàn.
Theo Suckhoedoisong