Theo thống kê của AFP, số ca mới hàng ngày trung bình trên toàn cầu tuần qua tăng 9% lên 521.800 ca. Ca mới ở Mỹ và Canada tăng 62%, châu Đại Dương tăng 42% (nhưng với con số tương đối thấp là 1.200 ca mỗi ngày). Châu Âu tăng 26%, Trung Đông tăng 7% và châu Á tăng 5%.
Chỉ châu Phi, Mỹ Latinh và vùng Caribe ghi nhận cải thiện, với số ca mới lần lượt giảm 11% và 9% so với tuần trước.
Xét trên cơ sở quốc gia, Pháp là nước ghi nhận mức tăng ca mạnh nhất, với tỷ lệ 193%. Tuy nhiên, mức tăng này có thể do tuần trước đó là kỳ nghỉ lễ quốc gia và đến tuần này dữ liệu mới được cập nhật bù. Theo sau là Israel với mức tăng 150%, Italy tăng 115%, trong khi Việt Nam tăng 104% và Rwanda tăng 72%.
Tunisia và Namibia có mức giảm mạnh nhất là hơn 40%, theo sau là Kuwait 39%, Zambia 35% và Chile 31%.
Anh là nước ghi nhận số ca mới lớn nhất trong tuần này với 45.900 ca mỗi ngày, tăng 24%, theo sau là Indonesia (43.800, giảm 1%) và Mỹ (42.900, tăng 63%).
Tính trên cơ sở bình quân đầu người, quốc gia ghi nhận nhiều ca mới nhất trong tuần này là Fiji với 834 ca trên 100.000 dân, theo sau là Cyprus 782 ca và Seychelles 545 ca. Anh với 473 ca và Tây Ban Nha với 380 ca cũng nằm trong số 10 quốc gia ghi nhận ca mới trên đầu người nhiều nhất.
Indonesia tuần qua vượt qua Brazil, trở thành nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất bình quân mỗi ngày, với 1.263 ca. Theo sau là Brazil với 1.153 ca và Ấn Độ 1.000 ca.
Ecuador dẫn đầu cuộc đua tiêm chủng trong số các quốc gia có hơn một triệu dân, tiêm chủng cho 1,75% dân số hàng ngày. Theo sau là Mauritius với 1,57%, Đan Mạch (1,3%), Malaysia (1,29%), Ireland (1,25%), Sri Lanka (1,05%) và Pháp (1,04%).
Các quốc gia khác cũng có chương trình tiêm chủng dẫn đầu là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, với 166 mũi trên 100 dân, Chile (128), Israel (128), Canada (124), Anh (122), Bỉ (115), Hungary ( 113), Tây Ban Nha (113) và Hà Lan (112).
Phương Vũ (Theo AFP)