Singapore tuần qua phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn Covid-19 chỉ vài ngày sau khi nới lỏng. Hy vọng về một tương lai sống chung với virus mà nhà chức trách đặt ra lại vơi đi, kèm theo đó là nỗi thất vọng của người dân.
Lực lượng chuyên trách ứng phó Covid-19 của chính phủ Singapore hồi đầu tháng đã vạch ra kế hoạch chuyển đổi sang cuộc sống bình thường mới, theo đó họ muốn coi Covid-19 giống như bệnh cúm thông thường, khi phần lớn dân số đều được tiêm phòng đầy đủ.
Thay vì theo dõi số ca nhiễm, giới chức sẽ tập trung vào kết quả, như số bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt hay cần thở oxy. Cách tiếp cận mới này lập tức bị thách thức khi số ca nhiễm đột nhiên tăng mạnh với những ổ lây nhiễm mới bắt nguồn từ chợ bán hải sản và quán karaoke của thành phố. Tính đến ngày 22/7, số ca nhiễm liên quan đến các ổ dịch trên đã lên tới 781.
Chính quyền Singapore đặc biệt lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, vì thế các biện pháp hạn chế nhanh chóng được áp dụng trở lại, dự kiến kéo dài đến ngày 18/8. Nhà hàng, phòng tập gym lại đóng cửa, hoạt động tụ tập bị giới hạn chỉ còn hai người. Lễ diễu hành ngày quốc khánh của đất nước dự kiến diễn ra vào ngày 9/8 cũng bị hoãn đến 21/8.
Quyết định của nhà chức trách lập tức vấp phải tranh cãi. Nhiều người cho rằng chính phủ đã quá cẩn trọng, đặt trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng của Singapore hiện ở mức tương đối cao và số ca nhập viện vì Covid-19 cũng thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác đang phải chống chọi với biến chủng Delta.
Khoảng 50% dân số 5,7 triệu người của Singapore đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine, trong khi 73% số dân đã tiêm ít nhất một liều. Ở nhóm tuổi 70 trở lên, 71% đã tiêm đủ phác đồ.
Mặt khác, trong số 415 bệnh nhân đang nhập viện điều trị Covid-19, chỉ có 8 người trong tình trạng nghiêm trọng và một người duy nhất phải điều trị tích cực.
Nhằm xoa dịu những công dân đang cảm thấy thất vọng, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết trên Facebook rằng đất nước chỉ còn hai tuần nữa là đạt mốc 64% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
"Với tính chất phức tạp của ổ dịch cảng cá Lâm Thố, chúng tôi nhận thấy đây không phải lúc để mạo hiểm", Bộ trưởng Ong viết, thêm rằng ông đã nhận được không ít câu hỏi từ bạn bè và người dân về việc vì sao chính quyền lại quyết định khôi phục các hạn chế khi "chúng ta định sống chung với Covid-19".
Trong các bình luận dưới bài đăng của ông, nhiều người cảm ơn Bộ trưởng Ong vì đã làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, số khác lại đặt câu hỏi liệu chính phủ có quá sợ rủi ro và phản ứng thái quá vì những người chưa chịu tiêm vaccine hay không.
"Đất nước không nên phải chịu khổ sở chỉ vì một nhóm nhỏ những cá nhân cứng đầu không muốn tiêm vaccine", tài khoản Faisal Abdul Aziz bình luận dưới bài đăng của Bộ trưởng Ong. "Có lẽ chính sách công bằng hơn là cấm những người chưa tiêm phòng vào các trung tâm thương mại hay chợ tươi sống. Tất nhiên, nên có ngoại lệ với những người bị dị ứng".
Giới quan sát chính trị đánh giá phản ứng trái chiều của công chúng là điều dễ hiểu khi Singapore đang trong giai đoạn chuyển đổi từ chiến lược "không ca nhiễm" (cố gắng dập dịch triệt để) sang kế hoạch sống chung với Covid-19.
Việc chính quyền tái áp đặt các biện pháp hạn chế "khiến tất cả chúng ta không chắc chắn như thế nào mới là sống chung với Covid-19", Eugene Tan, phó giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore, nhận xét.
Bộ trưởng Ong tại cuộc họp báo ngày 20/7 cho biết nếu 10% trong gần 200.000 cư dân trên 60 tuổi chưa tiêm vaccine nhiễm virus, thì hệ thống y tế sẽ cần 2.000-3.000 giường chăm sóc tích cực để điều trị cho họ. Singapore hiện mới phân bổ được 1.000 giường chăm sóc tích cực cho bệnh nhân Covid-19.
Tuy nhiên, dữ liệu từ Bộ Y tế mới đây cho thấy trong hai tuần qua, Singapore chỉ ghi nhận 450 ca nhiễm cộng đồng ở nhóm tuổi 19-39 và 76 ca ở nhóm tuổi trên 70.
Một số người dân so sánh tình hình của đất nước với cảnh ăn mừng, hân hoan ở Mỹ, Israel hay Anh, nơi các biện pháp hạn chế phần lớn đều đã được gỡ bỏ sau khi các nước này đạt tỷ lệ tiêm chủng ngang bằng Singapore. Ví dụ, Anh có tỷ lệ tiêm chủng là 54,4% và bắt đầu xóa bỏ hầu hết các hạn chế từ ngày 19/7.
Tiến sĩ Paul Tambyah, chủ tịch Hiệp hội Vi sinh Lâm sàng và Nhiễm trùng châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng lập trường của chính phủ Singapore phản ánh rõ ràng tâm lý sợ thất bại.
Theo ông, tác động từ biến chủng Delta đối với hệ thống y tế Singapore sẽ là "không đáng kể" với tỷ lệ tiêm chủng hiện tại của đất nước.
"Điều người dân muốn là nhìn về phía trước với niềm hy vọng, thay vì sa lầy trong những trở ngại và thất bại", phó giáo sư Tan bình luận.
Ở chiều hướng ủng hộ chính phủ, nhà xã hội học Tan Ern Ser từ Đại học Quốc gia Singapore cho rằng chính quyền hiện tại có xu hướng thận trọng và có một "vùng đệm thoải mái hơn là cảnh sống bên bờ vực".
Chính phủ cũng phải đối mặt với áp lực trong nước vì "người dân đặt nhiều kỳ vọng vào họ trong việc mang đến cuộc sống an toàn trước các mối đe dọa từ bên ngoài, vì thế bất kỳ sự cố 'sảy chân' nào cũng sẽ bị coi là một tỳ vết lớn đối với thành tích của họ", Tan cho biết thêm.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)