Nam Phi ngày 4/12 ghi nhận 16.416 ca nhiễm mới, trong khi ngày 30/11, con số này ở mức 4.373. Nước này báo cáo hơn 3 triệu ca nhiễm và gần 90.000 ca tử vong vì Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát.
Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi (NICD) hôm 2/12 tiết lộ một số ca nhiễm chủng Omicron ở nước này là người từng nhiễm nCoV. Giáo sư Anne von Gottberg, nhà vi sinh vật học tại NICD, cho biết người từng nhiễm nCoV có thể tránh được Delta, nhưng dường như không được bảo vệ trước Omicron.
"Chúng tôi đã theo dõi những trường hợp tái nhiễm trong hai đợt bùng phát chủng Beta và Delta và không thấy xu hướng gia tăng nguy cơ tái nhiễm", Gottberg nói. "Nhưng chúng tôi đang thấy sự gia tăng với Omicron".
Tuy nhiên, bà Gottberg thêm rằng dữ liệu cho thấy tình trạng tái nhiễm có thể ít nghiêm trọng hơn. "Chúng tôi tin triệu chứng sẽ ít nghiêm trọng hơn. Và đó là những gì chúng tôi đang cố chứng minh và giám sát cẩn thận ở Nam Phi. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với người đã tiêm chủng", bà cho hay, nhấn mạnh vaccine sẽ tiếp tục giúp ngăn ngừa ca bệnh nặng và nhập viện.
Dù số ca nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh, số ca tử vong dường như ổn định hơn, với 25 trường hợp ngày 3/12 và 21 trường hợp ngày 4/12, theo NICD.
Giáo sư Gottberg cho biết trong số 249 mẫu được giải trình gene vào tháng 11, 183 ca nhiễm biến chủng Omicron, tương đương 70-75%.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ cử một nhóm hỗ trợ tới tỉnh Gauteng, nơi hiện được xem là tâm dịch của đợt bùng phát Omicron, để giúp giám sát, giải trình tự gene và truy vết tiếp xúc.
Biến chủng Omicron ban đầu mang tên mã B.1.1.529, được Nam Phi thông báo hồi tuần trước, sau đó được WHO xếp vào nhóm biến chủng đáng lo ngại. Hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng này, làm tăng lo ngại về làn sóng lây nhiễm nguy hiểm và báo hiệu cuộc chiến với đại dịch chưa kết thúc. Giới khoa học hiện chưa có dữ liệu vững chắc về khả năng lây lan và độc lực của Omicron, cũng như mức độ né tránh kháng thể của nó.
Thanh Tâm (Theo CNN)