Nhóm của người đứng đầu Trung tâm Đổi mới và Ứng phó Dịch tễ Nam Phi Tulio de Oliveira hồi tháng 6 ghi lại sự xuất hiện của hơn 30 đột biến gene trong mẫu bệnh phẩm nCoV được lấy từ một phụ nữ Nam Phi nhiễm HIV giai đoạn cuối. Những đột biến này, bao gồm một số đột biến có thể làm giảm hiệu quả của vaccine và tăng nguy cơ lây nhiễm, đã xuất hiện trong khoảng 6 tháng.
De Oliveira lo ngại kịch bản tương tự đã xảy ra và tạo ra chủng Omicron. Ngày 2/12, ông nêu giả thuyết Omicron đã ủ trong cơ thể một bệnh nhân có hệ miễn dịch bị ảnh hưởng bởi HIV hoặc một tình trạng suy giảm miễn dịch khác, khiến người này nhiễm virus trong thời gian dài và virus có điều kiện để đột biến.
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu từng phát hiện những đột biến nCoV đáng lo ngại từ các bệnh nhân có hệ miễn dịch tự nhiên bị ảnh hưởng do thuốc điều trị ung thư, thuốc ngăn rối loạn tự miễn dịch hoặc thuốc giữ cho các cơ quan nội tạng cấy ghép không bị đào thải.
De Oliveira từng cảnh báo suốt nhiều tháng rằng tại khu vực châu Phi hạ Sahara, 8 triệu người nhiễm HIV không được phát hiện hoặc được điều trị hời hợt là nhóm người có nguy cơ sản sinh ra biến chủng .
"Phần lớn là những người trẻ, chưa tiêm chủng và có hệ miễn dịch suy yếu. Những người này có thể trở thành 'lò ấp biến chủng' khắp thế giới", de Oliveira nói.
Oliveira được mệnh danh "thợ săn" virus vì dày dạn kinh nghiệm, từng phát hiện biến thể mới của nCoV ở Nam Phi hồi đầu năm, sau này được đặt tên là 501.V2. Sau khi nhận báo cáo từ bác sĩ, de Oliveira và cộng sự chỉ mất hai tuần để xác định biến thể mới, nhanh hơn các nhà khoa học Mỹ và Anh.
Omicron là biến chủng nCoV mới được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 và được Nam Phi báo cáo với WHO vào ngày 24/11, thuộc danh sách biến chủng đáng lo ngại của WHO. Dù chưa rõ mức độ nguy hiểm và lây nhiễm của biến chủng, nhiều nước vẫn quyết định siết kiểm soát biên giới như biện pháp đề phòng.
Ngọc Ánh (Theo LA Times)