Thế giới đã ghi nhận 211.479.248 ca nhiễm nCoV và 4.426.293 ca tử vong, trong khi 189.242.843 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Theo dữ liệu của AFP, số ca mới trung bình hàng ngày trên toàn cầu tuần qua là 643.100 ca một ngày, không tăng so với tuần trước.
Trong khi tình hình cải thiện ở hầu hết khu vực trên thế giới trong tuần này, ca Covid-19 mới trung bình hàng ngày ở Mỹ và Canada tăng 11% còn Trung Đông tăng 4%. Trong khi đó, số liệu này tại châu Phi giảm 7%, Mỹ Latinh và Caribe giảm 6%, châu Á và châu Âu giảm 3%. Ca mới ở châu Đại Dương tăng 1/5 nhưng số ca vẫn ở mức thấp.
Kosovo là nước ghi nhận tốc độ dịch gia tăng nhanh nhất, khi ca Covid-19 mới trung bình hàng ngày tăng 189%. Azerbaijan theo sau với mức tăng 82%, Serbia tăng 75%, Thụy Sĩ và Đức đều tăng 61%.
Trong khi đó, Mozambique là nước ghi nhận mức giảm lớn nhất khi ca Covid-19 mới trung bình hàng ngày giảm 36%, tiếp theo là Argentina 34%, Colombia 32%, Thổ Nhĩ Kỳ 32%, và Algeria 28%.
Xét về số ca nhiễm mới, Mỹ là nước ghi nhận số ca mới lớn nhất trong tuần qua, tăng 1/10 lên mức 139.100 ca mỗi ngày. Iran theo sau với 38.200 ca, tăng 2%.
Trung bình số người chết vì nCoV hàng ngày trên toàn thế giới tuần qua là 9.787, tăng 3%. Giống như tuần trước, Indonesia tiếp tục là nước ghi nhận số ca tử vong trung bình hàng ngày cao nhất với 1,281 trường hợp, tiếp theo là Mỹ với 859 trường hợp và Brazil 821 trường hợp.
Về tốc độ tiêm chủng trong tuần qua, Malaysia là nước dẫn đầu trong số các quốc gia hơn một triệu dân, tiêm chủng cho 1,54% dân số mỗi ngày. Theo sau là Panama 1,51% và Hàn Quốc 1,39%.
Mặc dù đang triển khai chậm hơn những nước nêu trên, các quốc gia có chương trình tiêm chủng đứng đầu thế giới là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) với 172 liều trên 100 người, theo sau Israel với 145 liều, Singapore 145 liều và Đan Mạch 142 liều.
Từ 20/8, Israel bắt đầu tiêm liều tăng cường cho người ngoài 40 tuổi đã tiêm mũi thứ hai cách đây ít nhất 5 tháng. Thủ tướng Israel Naftali Bennett, 49 tuổi, ngày 20/8 tiêm tại một bệnh viện công ở Kfar Saba. Văn phòng của Thủ tướng Israel nói rằng ông là người đứng đầu chính phủ đầu tiên trên thế giới tiêm liều tăng cường.
"Chúng ta đang ở cao trào trận chiến, cùng nhau chúng ta có thể giành chiến thắng, điều đó nằm trong tầm tay, nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được", Bennett nói trước khi tiêm. "Tôi đang yêu cầu bạn: hãy sử dụng đặc quyền mà bạn có với tư cách là người Israel, hãy đi tiêm phòng".
Ca nhiễm ở Israel đã tăng trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại đất nước phải đóng cửa trong những ngày lễ của người Do Thái sẽ diễn ra vào tháng 9.
"Nếu tiêm mũi thứ ba, chúng ta có thể tránh được lần phong tỏa thứ tư", Bennett nhấn mạnh. "Chúng tôi đang thấy hiệu quả rõ ràng của vaccine, nó an toàn và đó là cách để đánh bại virus".
Israel là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai tiêm chủng trên thế giới, bắt đầu vào giữa tháng 12/2020. Chiến dịch tiêm chủng được ca ngợi là một câu chuyện thành công giúp giảm đáng kể ca nhiễm ở đất nước 9 triệu dân. Nhưng ca nhiễm sau đó đã gia tăng do sự lây lan của biến thể Delta trong số những người chưa được chủng ngừa và khả năng miễn dịch của người đã tiêm vaccine suy giảm.
Để cố gắng ngăn chặn lây lan, giới chức tuần trước bắt đầu thực hiện đợt tiêm tăng cường cho người từ 50 tuổi trở lên, sau khi bắt đầu chiến dịch cho người trên 60 tuổi vào cuối tháng trước. Israel ghi nhận hơn 970.000 ca nhiễm và hơn 6.700 trường hợp tử vong. Hơn 5,4 triệu người đã tiêm hai liều vaccine, trong khi 1,2 triệu người đã tiêm mũi thứ ba.
Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)