"Có thể bán chiếc xe, nhưng không thể bán động cơ. ByteDance sẽ không giao thuật toán cho bất kỳ người mua nào ở Mỹ, nhưng nhóm công nghệ của TikTok ở Mỹ có thể phát triển một thuật toán mới", nguồn tin giấu tên tham dự cuộc họp của ByteDance hôm nay cho hay.
Theo nguồn tin, ByteDance đã thông báo cho giới chức Mỹ và các nhà thầu tiềm năng về quyết định này. Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối điều kiện trên, TikTok sẽ dừng hoạt động ở Mỹ sau hạn chót 15/9.
Chính quyền Trump đã đặt hạn chót để ByteDance bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ hoặc dừng hoạt động. Nguồn tin cho hay việc "không chuyển giao thuật toán" hiện là điều kiện mấu chốt cho bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc bán hoặc tái cấu trúc TikTok sau khi chính phủ Trung Quốc sửa đổi điều khoản Kiểm soát xuất khẩu, nguồn tin cho hay.
Chính phủ Trung Quốc hôm 28/8 áp dụng các điều luật sửa đổi trong danh sách sản phẩm công nghệ được xuất khẩu để ngăn TikTok bị bán lại. Theo đó, các công nghệ như thuật toán của TikTok phải được Trung Quốc cấp phép chính thức trước khi được bán hoặc chuyển giao cho nước ngoài. ByteDance cho biết họ sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy định này.
Một nguồn tin chính phủ Trung Quốc đầu tháng này nói rằng ByteDance có thể bán toàn bộ TikTok, trừ các thuật toán. Việc loại trừ thuật toán cũng sẽ buộc những người mua tiềm năng, gồm Microsoft, phải xem xét lại kế hoạch mua và định giá ứng dụng.
Nguồn tin am hiểu công nghệ cho biết ByteDance sử dụng một mã nguồn cho TikTok ở tất cả các quốc gia, nhưng có điều chỉnh cho các thị trường khác nhau. "Về lý thuyết, nhóm nghiên cứu của Mỹ có thể sao chép thuật toán, nhưng người dùng phải mất thời gian để làm quen với thuật toán được sao chép. Với sự cạnh tranh giữa các ứng dụng tương tự đang tăng lên, sẽ rất khó để bắt kịp nếu bạn cần thêm thời gian để thuật toán hoạt động tốt", nguồn tin cho hay.
ByteDance và TikTok hiện chưa bình luận về thông tin trên.
TikTok được hơn một tỷ người trên toàn thế giới, trong đó gồm khoảng 175 triệu người Mỹ, sử dụng để tạo video ngắn trên điện thoại di động. Tuy nhiên, chính quyền Trump cho rằng TikTok có thể được Trung Quốc sử dụng để theo dõi vị trí của nhân viên liên bang, lập hồ sơ cá nhân để tống tiền hay thực hiện hoạt động gián điệp doanh nghiệp. TikTok nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Ứng dụng mạng xã hội này đã trở thành tâm điểm của "cơn bão ngoại giao" giữa Washington và Bắc Kinh. Trump tháng trước ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức nằm trong quyền tài phán của Mỹ giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Tổng thống Mỹ hôm 10/9 tuyên bố sẽ không gia hạn cho TikTok và ứng dụng này sẽ bị bán hoặc bị đóng cửa vào ngày 15/9.
Các công ty Mỹ gồm Walmart, Microsoft đã đàm phán để mua lại ứng dụng Trung Quốc. Oracle cũng bày tỏ quan tâm tới mạng xã hội này, nhưng những quy định hạn chế xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc có thể khiến các thương vụ đổ vỡ.
Huyền Lê (Theo SCMP)