Theo một báo cáo gần đây, doanh số từ món đồ chơi Baby Three hay còn gọi là "bé ba" trên hai sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đã lên đến 8,8 tỷ đồng chỉ trong một tháng.
Trước đó, giới trẻ từng đổ xô săn lùng Labubu, nay lại đến Baby Three. Cứ mỗi đợt, một món đồ chơi hot lên, nhiều thanh niên lẫn em đổ xô mua cho bằng được.
Tôi từng thấy trên mạng có phụ huynh than thở: Một con búp bê Baby Three có giá bằng hai ngày công của mẹ, con chơi vài ngày là vứt xó.
Nhưng lỗi tại ai? Tại đứa con vòi vĩnh hay tại chính cha mẹ chưa dạy con về giá trị của đồng tiền, về công sức lao động?
Trước đây, có người từng chia sẻ cách dạy con biết quý trọng tiền bạc bằng cách cho con đi bán vé số trải nghiệm. Cực đoan? Có thể. Nhưng ít nhất đứa trẻ hiểu rằng để có tiền mua một món đồ, cần phải lao động.
Ngày xưa, bọn trẻ con chúng tôi không có nhiều đồ chơi. Nhớ hồi siêu nhân Gao mới ra mắt, ai cũng mê mẩn thanh kiếm và mặt nạ, nhưng chẳng đứa nào dám xin tiền bố mẹ, vì ai cũng hiểu hoàn cảnh gia đình làm nông, kiếm đồng tiền đâu có dễ.
Chúng tôi phải tự nghĩ cách gom đồng nát, nhặt giấy vụn, cả tuần mới đủ tiền mua món đồ yêu thích. Tự kiếm tiền để mua, món đồ đó quý hơn gấp bội.
Cho con đồ chơi không sai, nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Nếu chiều con từ bé, muốn gì có nấy, thì lớn lên, đứa trẻ đó sẽ đòi hỏi những thứ đắt đỏ hơn: xe cộ, hàng hiệu, những thú vui xa xỉ.
Tiền đâu mà chiều mãi? Học cách trân trọng đồng tiền không chỉ giúp trẻ biết tiết kiệm mà còn giúp chúng hiểu được giá trị của lao động, bài học quan trọng hơn cả những món đồ chơi nhất thời.