Khi có thông tin hàng quán ở TP HCM được bán mang về, các diễn đàn mạng xã hội tràn ngập hình ảnh món ăn Sài Gòn và những bình luận như "Sắp được ăn bún bò rồi", "Tôi sẽ đặt một phần bún đậu mắm tôm", "Được mua cơm sườn, cơm gà về ăn rồi"... Cộng đồng mạng chờ đến ngày 9/9 để bắt đầu đặt món sau 2 tháng hàng quán Sài Gòn ngừng hoạt động.
Đã quen với việc nấu ăn tại nhà nhưng nhiều thực khách cho biết cũng háo hức muốn đặt một phần ăn trưa từ hàng quán. Về vấn đề an toàn, nhiều người bày tỏ cảm thấy yên tâm với các quy định đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các cửa hàng bán thức ăn mang đi và đội ngũ giao hàng, còn các thành viên trong gia đình họ cũng đã được tiêm 1-2 mũi vaccine và đã ở yên trong nhà từ 2 tháng nay.
Từ sáng 9/9, một số thực khách phản ánh khi mở các ứng dụng đặt thức ăn thì hàng quán đều cách nhà từ 5 đến 10 km, trong khi thường ngày khu vực lân cận đều có kha khá quán ăn. Ngọc Mai (24 tuổi), quận Bình Thạnh, cho biết quán bún gần nhất cách chỗ cô cũng hơn 10 km và chủ yếu bán thực phẩm thiết yếu như thịt heo, cá, rau củ, chưa điều chỉnh thực đơn món ăn nấu sẵn nên cô tạm thời chưa đặt món.
Còn Minh Nghĩa, 23 tuổi, quận Bình Tân cho biết nơi anh ở hàng quán cũng chưa mở bán trên ứng dụng, gần nhất là Aeon Bình Tân cách nhà 500 m bán bún bò ở quầy hàng thực phẩm nấu sẵn. "Dù rất thèm bún bò nhưng nhìn phí giao hàng tới 39.000 đồng thì mình cũng ngại, đồ ăn trong tủ lạnh mẹ gửi từ quê lên vẫn còn nên mình không đặt nữa", Nghĩa chia sẻ.
Vũ Ngọc Hân, quận 3, chia sẻ khi có tin hàng quán mở bán mang đi, cô chủ động tìm số điện thoại của quán bún bò thường ăn rồi hỏi xem họ có nấu bán không vì biết tìm nguyên liệu nấu nướng rất khó.
"Mình đặt khoảng 9 phần cho gia đình, thường ngày tô bún đặc biệt có thịt bò nạm, giò, chả giá 50.000 đồng/tô, thì nay mình mua 70.000 đồng/phần, tô bún vẫn chất lượng, ăn thấy ngon miệng hơn, chắc do lâu quá không ăn bún bò. Dù giá cao hơn nhưng mình vẫn chấp nhận". Hân nói thêm, do quán bún bò ở quận Phú Nhuận, còn cô ở quận 3 nên không thể đặt đồ ăn qua ứng dụng mà phải đặt riêng tài xế lấy hàng ở chốt giao giữa 2 quận, phí ship là 30.000 đồng. Sau khi ăn bún bò, cô cũng định mua thêm phở cho gia đình vào những ngày sau.
Anh Phạm Hoàng Hiệp, 29 tuổi, chủ quán gà ta số 26, đường Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh cho biết quán ăn của anh đã đăng ký kinh doanh và chỉ bán qua ứng dụng đặt thức ăn. Trước đây, quán được thực khách ủng hộ nhờ nhập gà ta từ Tam Kỳ, Quảng Nam có thịt chắc ngọt, phần ăn đầy đặn, rau đa dạng, nước dùng đậm đà và giá cả phải chăng.
Hiện do tình hình giãn cách xã hội nên việc nhập nguyên liệu còn khó khăn, giá phần ăn có tăng hơn trước do nguyên liệu tăng giá và khan hiếm nguồn hàng. Ngày đầu mở bán lại, anh Hiệp cố gắng đảm bảo chất lượng món cho thực khách: "Phần ăn ở quán tăng khoảng 5.000 đồng so với mức bình thường, nước dùng vẫn đảm bảo nóng hổi thơm ngon, mình dùng bún gạo khô do chưa đặt được bún tươi và đang liên hệ đặt gà từ quê nhà để mang vào TP HCM", anh Hiệp cũng chia sẻ thêm hôm nào quán thiếu nguyên liệu thì sẽ tắt ứng dụng bán hàng để shipper khỏi phải nhận đơn mà quán không có món giao.
Các ứng dụng giao thức ăn đều có phí giao hàng tăng cao trong giai đoạn này. Đại diện các ứng dụng giao thức ăn xác nhận có tình trạng phí giao hàng tăng cao dù chỉ giao nội quận. Nguyên nhân chính đến từ việc khan hiếm shipper và thực trạng chỉ được phép hoạt động nội quận làm giới hạn khả năng nhận đơn của tài xế.
Trên các diễn đàn mạng xã hội nhiều người chia sẻ dù rất muốn thưởng thức món ăn ở hàng quán nhưng ngại phí ship cao, họ đành chờ thêm thời gian nữa khi được ra ngoài mua hàng mang về hoặc sẽ đến quán ăn trực tiếp, một số khác cũng cho biết sẽ tự đặt nguyên liệu nấu ăn tại nhà để thay đổi món và tiết kiệm chi phí.
Huỳnh Nhi