Đọc bài người Hàn Quốc đau đầu vì bữa trưa đắt đỏ, tôi bỗng thấy đồng cảm sâu sắc. Câu chuyện chi tiêu cho bữa trưa không chỉ là chuyện của riêng họ, mà còn là vấn đề của không ít dân văn phòng tại Việt Nam.
Nhìn lại cuốn sổ chi tiêu của mình, tôi mới giật mình nhận ra: số tiền dành cho ăn uống ngoài hàng quán mỗi tháng đôi khi còn cao hơn cả tiền điện nước.
Ngày mới đi làm, tôi chỉ cần bỏ ra 25-30 nghìn đồng là có một bữa trưa tươm tất với hai món. Bây giờ, nếu muốn ăn một bữa no bụng, chất lượng tạm ổn thì ít nhất cũng phải 45-50 nghìn. Phở, hủ tiếu có khi còn đắt hơn.
Những ai làm ở khu trung tâm, nơi giá cả lúc nào cũng cao hơn mặt bằng chung, thì bữa trưa đúng là một khoản chi đáng kể. Còn nếu đặt qua ứng dụng, phí ship lại càng làm con số này đội lên.
Không chỉ giá cả, chất lượng đồ ăn cũng là điều khiến tôi đắn đo. Khi còn ăn ngoài, tôi thường xuyên than phiền với đồng nghiệp về chuyện dầu mỡ. Thịt kho, cá chiên, rau xào... món nào tôi cũng thấy nhiều dầu, nhìn tô canh mà thấy váng vàng óng ánh, ăn vào thì miệng cứ nhờn nhờn. Biết vậy nhưng vẫn ăn, vì ngoài hàng có gì thì gọi nấy, ít ai có thể chọn lựa kỹ càng như khi tự nấu.
Rồi đến một ngày, khi giá đồ ăn tăng cao hơn, tôi quyết định mang cơm theo. Ban đầu, có người bảo tự nấu còn tốn hơn đi ăn ngoài. Nhưng thực tế, nếu biết cách đi chợ, chia nhỏ thực phẩm, một lần nấu có thể dùng cho cả bữa trưa lẫn bữa tối.
Tính ra không chỉ rẻ hơn mà còn tiện lợi. Vì nếu buổi trưa ăn ngoài, tối về cũng phải nấu, lại thêm một lần mua thực phẩm nữa. Chưa kể, nhiều người ngại ăn đồ để qua đêm, càng dễ lãng phí.
Vậy là tôi tập thói quen dậy sớm từ 5h, chuẩn bị một phần cơm gọn gàng để mang đi làm. Nghe có vẻ cực, nhưng sau một thời gian quen rồi, tôi thấy cách này không chỉ giúp tiết kiệm tiền bạc mà còn tốt hơn cho sức khỏe.