Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc cho biết đến tháng 12/2024, một bát kimchi-jjigae (kim chi hầm) - lựa chọn ăn trưa phổ biến ở Hàn Quốc - có giá hơn 8.200 won (145.000 đồng) tại Seoul, cao hơn 23% so với năm 2020. Ở các thành phố như Deajeon, món này còn tăng hơn 52%. Giá một cuộn gimbap (món ăn bình dân nhất) ở Seoul cũng tăng gần 33% so với một năm trước.
Chi phí ăn uống ở Hàn Quốc ngày càng đắt đỏ đẩy người lao động vào cảnh chật vật. Giá các loại thức ăn phổ biến tăng 21% trong năm 2024.
Mức tăng tiền lương không theo kịp tốc độ này. Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc báo cáo trong cùng giai đoạn, mức lương trung bình của nhân viên văn phòng tăng gần 15%.
Tình hình còn khó khăn hơn nữa với những người lao động ở nhóm thu nhập thấp bởi mức lương tối thiểu chỉ tăng 13%.
Giá bữa trưa đã tăng liên tục bốn năm qua, vượt xa mức tăng trưởng tiền lương khiến nhiều nhân viên tìm đến lựa chọn giá rẻ để giảm phí sinh hoạt.

Tiền lương tăng không kịp giá ăn trưa khiến người lao động gặp khó khăn. Ảnh minh họa: Yonhap
Khảo sát do công ty nghiên cứu người tiêu dùng Embrain Trend Monitor thực hiện tháng 11/2024 cho thấy hơn 30% người lao động đang mua bữa ăn tại cửa hàng tiện lợi, siêu thị vì giá rẻ dù giá trị dinh dưỡng ở mức trung bình. Con số này tăng so với mức 22% vào năm 2021. Số người ăn ở căng tin công ty cũng tăng từ hơn 49% lên 55% trong cùng kỳ.
Dữ liệu bán hàng từ các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn cũng phản ánh sự thay đổi này. GS25 báo cáo doanh số bán hộp cơm trưa năm 2024 tăng 3,2 lần so với những năm trước. Lượng cơm nắm cũng tăng gấp ba lần. Chuỗi CU cũng ghi nhận lượng samgak gimbap (cơm nắm hình tam giác) tăng hơn gấp đôi.
Bấp chấp nỗ lực cắt giảm chi tiêu, thực phẩm vẫn chiếm một khoản lớn trong ngân sách hộ gia đình. Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ghi nhận trong ba quý đầu năm 2024, hộ gia đình thành thị chi hơn 14% ngân sách hàng tháng (hơn 516.000 won) cho thực phẩm và 14% cho ăn uống bên ngoài.

Sundae-gukbap (súp thịt lợn với dồi lợn) từng được coi là bữa ăn bình dân nay được bán với giá 10.000 won tại một nhà hàng ở quận Myeong-dong, Seoul, tháng 1/2025. Ảnh: Newsis
Tiền trợ cấp ăn trưa trở thành điểm bế tắc lớn trong các cuộc đàm phán giữa công ty và người lao động. Năm 2024, các công nhân vệ sinh tại một trường đại học ở Seoul yêu cầu tăng tiền trợ cấp ăn trưa hàng ngày từ 2.700 won lên 3.100 won.
Lý lẽ "2.700 won thậm chí không đủ mua cuộn gimbap" của họ được nhiều người Hàn Quốc đồng tình. Cuối cùng yêu cầu của nhóm này được chấp thuận.
Vấn đề này cũng từng thu hút sự chú ý của các nhà làm chính sách Hàn Quốc. Cuối năm 2024, một ủy ban đặc biệt về bảo vệ tiền lương đã đề xuất tăng trợ cấp bữa ăn hàng tháng từ 200.000 won lên 300.000 won, giúp người lao động đối phó với chi phí thực phẩm tăng cao.
Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cảnh báo "chỉ tập đoàn lớn mới đủ khả năng đáp ứng yêu cầu này".
Minh Phương (Theo Korea Herald)