Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn là một đề xuất có sức ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dân đang sống ở các đô thị trên cả nước. Đề xuất này đang thu hút sự tranh luận của xã hội với sự đồng thuận và không đồng thuận của người sở hữu chung cư.
Trước đây chung cư chỉ có ở nội đô và độ cao phần lớn không quá sáu tầng. Bây giờ chung cư mọc dày đặc ở vùng ven và độ cao lên tới 30-40 tầng rất phổ biến. Khi mua chung cư là người dân đã mua cả mảnh đất của chung cư.
Ví dụ mảnh đất xây chung cư hiện tại là 100m2 xây 25 tầng giá mua là 2022 là hai tỷ đồng một căn.Sau 70 năm đập bỏ thì tạm tính là có 25 hộ sở hữu như vậy mỗi hộ có 4m2 đất. nếu bán miếng đất 200 triệu đồng một m2 thì mỗi hộ sẽ có 800 triệu đồng.
Chủ đầu tư lại tiếp tục xây chung cư trên mảnh đất đó cũng 25 tầng và bán với giá bốn tỷ đồng một căn, người mua sẽ phải bỏ thêm 3,2 tỷ đồng nữa để sở hữu. Vấn đề là trong 25 hộ ai có đủ 3,2 tỷ thì mới mua được, ai không có khả năng thì được trả 800 triệu đi nơi khác sống.
Ví dụ trên có thể chưa hoàn toàn chính xác, nhưng sau 50 70 năm có nhiều biến động, mọi người có cái nhìn thực tế hơn cho dù áp dụng thời hạn cho chung cư hay không thì chung cư đã hư hỏng là phải đập bỏ và xây mới.
Người mua cho dù có được trả tiền đất thì cũng phải bỏ thêm rất nhiều tiền để mua chung cư mới. Chung cư cũ nội đô có lợi thế về giá đất nên chủ đầu tư thấy có lãi họ mới làm.
Các chung cư cũ trước đây phần lớn nằm ở nội đô chiều cao thường không quá sáu tầng, tuổi thọ trước 1975 nên đều gần 50 70 năm, một số tòa nhà kiểu Pháp thì đã hơn 100 năm rồi. Nhiều nhà chung cư đã là cấp D rồi mà việc đập đi còn rất khó khăn dù đã cho dân tái định cư tại chỗ, dù dân không phải trả tiền xây mới mà nhiều người vẫn không chịu.
>> Không cố đấm ăn xôi ở nhà hẻm bảy tỷ đồng
Nhà chung cư bây giờ thường cao từ 20-40 tầng nên sau 50-70 năm chắc chắn cũng phải đập đi xây lại và lúc đó sẽ phát sinh nhiều vấn đề hơn vì phải thỏa thuận với nhiều hộ dân hơn, khó nhất là dân phải trả tiền xây mới (tiền đất không phải trả) mà là tiền tỷ không phải ai cũng có.
Có thể có hộ sẽ bảo nhà tôi sở hữu lâu dài, tôi không chấp nhận đập bỏ, hoặc tôi không có tiền trả để xây mới thì giải quyết thế nào? Nếu có trả tiền đất cho họ đi nơi khác sống thì số tiền được trả cũng rất nhỏ chỉ vài m2 không đủ để mua nhà mới mà con cái họ cũng không thể mua cho cha mẹ.
Chính vì lường trước được vấn đề phức tạp như vậy nên Bộ Xây Dựng đề xuất chung cư có thời hạn là để người dân xác định rõ trước khi mua, để khi muốn đập bỏ thì không cần phải thoả thuận với từng hộ dân nữa.
Thực ra mua chung cư cũng chỉ là sở hữu vài m2 đất mà thôi, cho dù có hay không có thời hạn thì cũng phải đập bỏ khi đã hư hỏng và người dân cũng phải trả tiền xây mới.
Đưa ra thời hạn có thể gây khó dễ cho việc mua bán chung cư hiện nay nhưng cũng cần phải làm rõ những điều mà người dân chưa hiểu để họ có thể đồng thuận hoặc không đồng thuận.
Hồng Nhung
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.