Thầy cô, và cả mẹ tôi - một giáo viên tiểu học - rất không hài lòng. Nếu chẳng may tôi nhầm một con số, thầy cô sẽ không có căn cứ nào khác để đánh giá khả năng của tôi. Điểm thời ấy được chấm cho cả lời giải và cách thực hiện, chứ không riêng đáp số cuối cùng.
Đó là cách chấm và thi toán trước đây. Còn bây giờ, thi trắc nghiệm ngày càng phổ biến. Những năm gần đây, bài thi tự luận môn Toán trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT được thay thế bằng bài thi trắc nghiệm khách quan. Và câu chuyện bắt đầu từ đây.
GS. TS. Nguyễn Hữu Dư (nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, nguyên Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán) trong một tọa đàm về Toán học tại TP HCM ngày 3/8 đã bức xúc nêu ý kiến "thi trắc nghiệm bóp chết môn Toán". Vì sao nên nỗi?
Trước hết, môn Toán có bị bóp chết hay không cần được xem xét từ câu hỏi: việc tổ chức thi trắc nghiệm Toán trong thời gian qua có phù hợp không. Điều này phụ thuộc vào đặc tính của hình thức đánh giá này cũng như mục tiêu của chương trình dạy Toán phổ thông. Hình thức thi trắc nghiệm khách quan có những ưu điểm rất đáng kể về thời gian và chi phí triển khai thi hay chấm thi, cũng như tính khách quan trong khâu đánh giá (thang điểm không mang tính cảm tính).
Theo GS. TSKH Lâm Quang Thiệp (tác giả tài liệu Đo lường và đánh giá hoạt động học tập trong nhà trường), đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan cho phép đánh giá một lượng yếu tố kiến thức lớn phân tán và phủ kín cả các mục tiêu học tập. Do đó, những bài thi mang tính kiểm tra kiến thức nền tảng thì trắc nghiệm khách quan có thể là một lựa chọn.
Tuy nhiên, trắc nghiệm không cho phép đánh giá khả năng suy luận hoàn toàn tự do vì câu trả lời trắc nghiệm bị giới hạn trong các khung định sẵn. Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành nói chung, và môn Toán bậc THPT nói riêng, được thực hiện theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT. Theo đó, với mỗi kiến thức Toán học, học sinh được yêu cầu có khả năng nhận biết bài toán và các phương pháp giải, có khả năng ứng dụng để giải các bài toán. Nói cách khác, khả năng suy luận tự do cũng như khả năng trình bày không nằm trong mục tiêu của chương trình dạy Toán phổ thông. Thế nên, chọn hình thức thi trắc nghiệm khách quan cho kỳ thi Toán Tốt nghiệp THPT là một lựa chọn phù hợp với mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Nhưng, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã có những thay đổi và đến năm 2025, kỳ thi Tốt nghiệp THPT sẽ đánh giá học sinh theo chương trình mới (Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT). Trong số yêu cầu cần đạt của môn Toán theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh ngoài khả năng giải toán còn phải có Năng lực tư duy, lập luận toán học và Năng lực giao tiếp toán học (thể hiện qua khả năng nghe, hiểu, trình bày, diễn đạt).
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện chưa chốt hình thức kiểm tra tốt nghiệp THPT vào năm 2025.
Với tôi, môn Toán ở nhà trường phổ thông mang hai nhiệm vụ chính. Thứ nhất là đem đến kiến thức Toán cơ bản cho học sinh, nhằm phục vụ những lĩnh vực đời sống mà ở đó Toán là công cụ. Thứ hai là trang bị cho các em học sinh khả năng suy luận với tư duy logic. Hai nhiệm vụ đòi hỏi một hình thức đánh giá phù hợp với khối lượng kiến thức lớn bao phủ nhưng cũng vừa có thể kiểm tra năng lực suy luận tự do và trình bày.
Hình thức đánh giá rất quan trọng, nó sẽ không đủ sức "bóp chết" Toán học. Giáo sư Dư, như ông nói, có thể đã phải chọn cách dùng từ mạnh để tăng tính cảnh báo. Tuy nhiên, các nhiệm vụ cơ bản này, nếu không được ý thức đầy đủ trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm cả việc dạy, học và thi của thầy và trò, thì năng lực tư duy và trình bày toán học của học sinh sẽ tê liệt.
Sự khiếm khuyết của hình thức đánh giá trắc nghiệm khách quan chỉ là thứ giúp ta giật mình nhìn lại thôi.
Võ Nhật Vinh