Nhiều người có thói quen giữ đồ dùng làm đẹp trong phòng tắm. Bên cạnh các sản phẩm chăm sóc da mặt và cơ thể, phụ nữ cất khăn mặt, máy rửa mặt, bàn chải ở chung một vị trí. Theo các chuyên gia, vi sinh vật phát triển mạnh trong môi trường ấm và ẩm của phòng tắm. Với những căn phòng không có cửa sổ, nấm mốc có thể hình thành trên bề mặt ẩm mốc, bám vào bông tắm, khăn tắm và các thiết bị tẩy rửa.
Tiến sĩ Kok Wai Leong, bác sĩ da liễu tại Viện Skin & Wellness Clinic, cho biết phòng tắm thực sự có thể sản sinh ra vi khuẩn, nấm, thậm chí virus.
"Điều này chủ yếu do môi trường ẩm ướt, thiếu thông gió, có các nguồn gây ô nhiễm vật lý. Những yếu tố này góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của vi sinh vật", ông nói.
Thông thường, trên da có những vi sinh vật xuất hiện tự nhiên. Hầu hết các vi khuẩn này đều vô hại, thậm chí đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì sức khỏe làn da. Tuy nhiên, ở người dễ mắc các bệnh ngoài da hoặc có hệ miễn dịch suy giảm, vi khuẩn có thể gây bệnh.
Vi khuẩn từ các dụng cụ ô nhiễm, chuyển sang da trong quá trình sử dụng làm thay đổi sự cân bằng của các vi sinh vật thường trú. Điều này có thể gây viêm da.
"Tình trạng viêm sẵn có có thể trầm trọng hơn. Ví dụ, bệnh nhân có da nhạy cảm hoặc bị chàm, chức năng của da đã bị tổn thương hoặc có nhiều mụn trứng cá. Dầu thừa và vi khuẩn từ nơi tiếp xúc với các dụng cụ nhiễm bẩn sẽ gây ra các vết chàm, nhiễm trùng hoặc làm nặng thêm tình trạng mụn", tiến sĩ Kok giải thích.
Các thiết bị như máy rửa mặt để lâu trong phòng vệ sinh cũng dễ bị nhiễm khuẩn, cần được làm sạch theo thời gian trước khi sử dụng.
Một số thương hiệu sử dụng lông chải silicon, cho rằng vật liệu này có khả năng kháng khuẩn. Tuy nhiên, tiến sĩ Kok cho rằng tuyên bố này còn gây tranh cãi.
"Dù một số nghiên cứu cho thấy lớp phủ polyme hoặc vật liệu silicone có tác dụng chống vi khuẩn, nhưng cũng nhiều báo cáo chỉ ra rằng vi khuẩn vẫn có thể cư trú trên các bề mặt dụng cụ, cần thay thế sau khi sử dụng lâu dài", ông nói.
Đây là lý do vì sao các chuyên gia khuyến cáo làm sạch bàn chải, bông tắm, máy rửa mặt thường xuyên bằng xà phòng nhẹ hoặc nước mỗi tuần một lần.
Lông bàn chải có xu hướng bị mòn sau một thời gian sử dụng. Lúc này, chúng chứa nhiều vi khuẩn hơn. Các thiết bị chải răng điện tử thường đi kèm với đầu lông chải có thể tháo rời và thay thế. Các chuyên gia khuyến nghị làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thay thế đầu bàn chải trong khoảng thời gian chỉ định.
Quan trọng nhất, các nhà khoa học cho rằng không nên để các vật dụng vệ sinh còn ướt nước, nhỏ giọt trong phòng tắm sau khi sử dụng, bởi hơi ẩm sẽ kích thích sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc. Lựa chọn tốt nhất là đặt chúng tại nơi thoáng mát, khô ráo trước lần sử dụng tiếp theo.
Nhìn chung, bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng các dụng cụ nhà tắm như bọt biển, bông tắm, khăn lau, bởi chúng có thể ma sát và gây ra các vết xước nhỏ, đặc biệt khi tác động quá mạnh.
"Các vết cắt và trầy xước trở thành cổng xâm nhập cho các vi sinh vật không mong muốn từ dụng cụ nhà tắm đã bẩn sẵn. Hơn nữa, ma sát từ các vật dụng này làm mất chức năng rào cản của da, gây hại tiềm ẩn", tiến sĩ Kok giải thích.
Đây là lý do vì sao việc giữ vệ sinh cho bông tắm, bọt biển tắm và khăn tắm là vô cùng quan trọng. Chuyên gia khuyến cáo không phơi chúng trong khu vực có vòi hoa sen. Thay vào đó, các gia đình cần mang chúng khỏi phòng tắm sau mỗi lần sử dụng, để chúng ở nơi mát mẻ, thông gió để khô hoàn toàn.
Thục Linh (Theo CNA)