Là một cựu phi công thuộc lực lượng Không quân Indonesia, được nhiều người ngưỡng mộ và có hơn 30 năm kinh nghiệm cầm lái, cơ trưởng Afwan đã dành khoảng thời gian rảnh cho những buổi huấn luyện bằng thiết bị bay mô phỏng của hãng hàng không Sriwijaya Air, nhằm đảm bảo số giờ bay tối thiểu. Giống như nhiều người khác tại quốc gia phần lớn theo đạo Hồi này, Afwan thường xuyên cầu nguyện và khuyên các đồng nghiệp cũng nên duy trì đức tin.
Tuy nhiên, bi kịch đã xảy ra, khi chuyến bay mang số hiệu SJ 182 do Afwan điều khiển hôm 9/1 lao xuống biển Java, chỉ vài phút sau khi cất cánh trong cơn mưa lớn từ sân bay ở Jakarta. Chiếc Boeing 737-500 chở 62 người, trong đó có 10 trẻ em và 12 thành viên phi hành đoàn, tất cả đều là người Indonesia, với lộ trình dự kiến dài 90 phút từ thủ đô Jakarta đến thành phố Pontianak trên đảo Borneo.
Giới chức đã gấp rút tổ chức chiến dịch tìm kiếm cứu nạn, song không có hy vọng tìm thấy người sống sót. Hai hộp đen đã được xác định vị trí, có thể giúp cung cấp thông tin quan trọng về chuyến bay. Các điều tra viên loại trừ giả thuyết cho rằng máy bay đã nổ tung giữa không trung. Thay vào đó, họ nhận định máy bay có thể đã bị vỡ nát khi chạm mặt biển, nhưng chưa đề cập gì đến nguyên nhân tai nạn.
Đây được coi là sự khởi đầu năm mới đầy nghiệt ngã tại quốc gia vốn hứng chịu một loạt tai nạn hàng không trong những năm gần đây. Năm 1997, máy bay của hãng hàng không quốc gia Garuda rơi gần thành phố Medan khiến 234 người thiệt mạng. Năm 2014, chuyến bay của AirAsia xuất phát từ thành phố Surabaya để đến Singapore lao xuống biển Java, khiến 162 người chết.
Chiếc Boeing 737 MAX của hãng Lion Air năm 2018 cũng rơi xuống biển Java, sau khi hệ thống chống thất tốc thiết kế riêng cho dòng máy bay này gặp trục trặc, tương tự lỗi khiến chuyến bay của hãng Ethiopia Airlines gặp tai nạn vài tháng sau đó. Loạt thảm họa đã khiến những nhà quản lý châu Âu cấm các hãng hàng không của Indonesia trong nhiều năm.
Theo những nguồn tin làm việc trong ngành, sau một loạt thảm kịch ngành hàng không Indonesia đã nỗ lực cải thiện hồ sơ an toàn, dù chưa bắt kịp với tốc độ mở rộng nhanh chóng của lĩnh vực. Đúng lúc đó, đại dịch Covid-19 bùng nổ, khiến nỗ lực khôi phục danh tiếng và tổn thất tài chính của các hãng hàng không Indonesia trở nên phức tạp.
Các phi công cho biết sự sụt giảm lưu lượng hành khách vì Covid-19 khiến họ gặp khó khăn trong việc duy trì khả năng chuyên môn, ngay cả khi các hãng cung cấp những khóa đào tạo bay mô phỏng. Sriwijaya Air chỉ có hai thiết bị bay mô phỏng cho các dòng Boeing 737 đời cũ.
Cơ trưởng Rama Noya của Sriwijaya Air, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Phi công Indonesia, bày tỏ cảm giác lạ lẫm khi điều khiển máy bay trở lại sau một tháng tạm dừng. "Đây là mối quan tâm của cả nước vào lúc này", Gerry Soejatman, chuyên gia hàng không Indonesia, cho biết, nói thêm rằng các tổ bay cũng trở nên mất tinh thần do bị cắt giảm lương vì đại dịch.
Trước khi Covid-19 bùng phát, Sriwijaya Air, hãng hàng không được thành lập hồi năm 2003, chủ yếu vận hành các chuyến bay nội địa và Đông Nam Á, đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Thỏa thuận nhằm "hồi sinh" Sriwijaya Air bằng cách liên kết với một tập đoàn hàng không khác đã thất bại, dù Sriwijaya Air có hồ sơ an toàn tốt, chưa bao giờ gặp tai nạn chết người nào.
Những đồng nghiệp quen biết cơ trưởng Afwan cho biết phi công 54 tuổi này là một người khá "chắc tay". "Afwan là một phi công dày dạn kinh nghiệm. Tôi tin tưởng vào kỹ năng của ông ấy", phi công Koko Indra Perdana của hãng Lion Air, từng hợp tác với Sriwijaya Air, cho biết.
Tuy nhiên, những phi công làm việc cho các hãng hàng không giá rẻ, như Lion Air và Sriwijaya Air, phải chịu áp lực điều khiển những phi cơ mà bản thân họ đánh giá là không đủ an toàn, cùng với tình trạng làm việc quá sức, trả lương thấp, hay mối nghi ngờ về sự giám sát lơ là của cơ quan quản lý.
Dù được đánh giá là dòng máy bay tốt, không có lỗi hệ thống đáng kể nào, chiếc Boeing 737-500 mà Afwan điều khiển hôm 9/1 đã được sử dụng 26 năm, đòi hỏi được bảo dưỡng thường xuyên để phi cơ duy trì ở trạng thái tốt nhất, giới phân tích hàng không cho biết.
Do Sriwijaya Air chỉ đưa vào hoạt động khoảng 1/4 số máy bay trong thời gian đại dịch hoành hành, các cơ quan quản lý từng cảnh báo một số mẫu Boeing 737 có thể cần được kiểm tra bởi khả năng xuất hiện trục trặc khi chúng không sử dụng thường xuyên. "Chúng ta không biết được tình trạng của những chiếc máy bay đắp chiếu nhiều tháng", phi công Koko cho hay.
Giữa lúc muôn vàn khó khăn bủa vây ngành hàng không Indonesia, chuyến bay SJ 182 khởi hành trễ hơn 30 phút do mưa lớn. Đồng hành cùng cơ trưởng Afwan trong buồng lái là cơ phó Diego Mamahit, người đã làm việc gần 6 năm cho Sriwijaya Air ở vị trí phi công cấp cao.
"Tôi thực sự thích bay và tận hưởng công việc điều khiển chiếc Boeing 737 trong tất cả hành trình nội địa ở Indonesia. Tôi cũng được ngắm nhìn những thành phố tươi đẹp và khung cảnh ngoạn mục trên nhiều quần đảo của đất nước", Mamahit viết trong hồ sơ trên LinkedIn.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)