"Tạm biệt gia đình. Chúng tôi đang trên đường về nhà", Ratih Windania, người phụ nữ đang mang thai 4 tháng, đăng bài viết cuối cùng trên Instagram trước khi lên chuyến bay SJ 182 của hãng hàng không Sriwijaya hôm 9/1, khởi hành từ Jakarta tới thành phố Pontianak trên đảo Borneo của Indonesia.
Windania đăng kèm bài viết bức ảnh chụp cô cùng hai con nhỏ tươi cười trên chiếc máy bay chở 50 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Chỉ 4 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu và lao xuống biển Java, vỡ nát thành nhiều mảnh.
Anh trai cô, Irfansyah Riyanto, cho biết gia đình cảm thấy "bất lực" và "chỉ biết chờ đợi, hy vọng sớm biết thêm thông tin". Đáng lẽ Windania và các con sẽ bay chuyến sớm hơn của hãng NAM Air do Sriwijaya điều hành, nhưng không rõ lý do họ thay đổi chuyến bay.
"Tôi là người đưa ba mẹ con ra sân bay, giúp làm thủ tục lên máy bay và gửi hành lý... Tôi cảm thấy vẫn chưa thể tin nổi, chuyện này diễn ra quá nhanh", Irfansyah nói.
Nhà chức trách Indonesia đã vớt được nhiều mảnh máy bay và bộ phận thi thể người tại vùng biển phía bắc thủ đô vào hôm sau. Họ không hy vọng có thể tìm thấy người sống sót sau tai nạn.
Trong số 50 hành khách trên máy bay có Angga Fernanda Afrion, 29 tuổi, thủy thủ. Vợ anh vừa sinh con trai đầu lòng một tuần trước. Bà Afrida, mẹ của Angga, vẫn nuôi hy vọng con mình còn sống.
Angga làm việc trên tàu chở hàng lớn. Anh đã gọi cho mẹ vào cuối ngày 8/1, thông báo phải bay tới Pontianak vào phút chót vì "tàu bị hỏng mà ông chủ yêu cầu anh phải tới ngay". Angga thường xuyên đi công tác khắp Indonesia, nhưng anh thích đi bằng tàu, hiếm khi đi máy bay.
"Nếu nó đã ra đi, điều tôi muốn là đưa con về nhà, chôn cất con đàng hoàng", bà Afrida nói, ôm ảnh con trai trong bộ đồng phục thủy thủ vào lòng.
Trên máy bay còn có cặp vợ chồng mới cưới Ihsan Adhlan Hakim và Putri Wahyuni. Em trai của Ihsan là Arwin Amru Hakim cho biết anh mình đã gọi điện từ sân bay Soekarno Hatta về gia đình, thông báo chuyến bay bị hoãn do thời tiết xấu.
Hai vợ chồng gặp nạn khi đang trên hành trình tới Kalimantan để tổ chức tiệc cưới cho đại gia đình của Ihsan sống ở Pontianak. "Theo kế hoạch, tiệc cưới sẽ được tổ chức vào 9/1, nhưng bây giờ, cả gia đình đang cùng nhau cầu nguyện", Arwin nói.
Bà Yusrilanita đã ngất xỉu khi hay tin chuyến bay chở con gái Indah Halima Putri, con rể Muhammad Rizky Wahyudi và cháu ngoại rơi xuống biển. Indah cùng chồng con lên chiếc máy bay SJ 182 quay lại nhà mình ở Pontianak sau thời gian tới nhà mẹ đẻ ở Java để sinh con.
Trước khi máy bay cất cánh, Indah đã gửi ảnh chụp cánh máy bay cho gia đình, nói rằng trời đang mưa lớn và xin gia đình cầu nguyện cho cô cùng chồng con.
Cơ trưởng Afwan, 54 tuổi, người điều khiển máy bay khi nó gặp nạn, là một cựu phi công quân sự, trước khi chuyển sang lĩnh vực hàng không dân dụng từ năm 1987. Gia đình và đồng nghiệp cho biết ông là một người Hồi giáo tận tụy, luôn sẵn lòng giúp đỡ hàng xóm và đồng nghiệp.
"Ông là người rất tốt bụng, thường đưa ra những lời khuyên khôn ngoan. Trong phố ông rất nổi tiếng, ai cũng biết ông là người tử tế", Ferza Mahardhika, cháu của Afwan, nói.
Vào sáng 9/1, khi rời nhà đến sân bay, Afwan trông có vẻ vội vã và phàn nàn rằng "áo sơ mi vẫn chưa được ủi, trong khi ngày thường ông lúc nào cũng gọn gàng", người cháu Mahardhika kể. Ông xin lỗi ba con vì lại phải đi xa lần nữa.
Nhà chức trách Indonesia đang tập trung mọi nỗ lực để tìm kiếm nạn nhân và xác máy bay tại vùng biển giữa hai đảo Lancang và Laki, ngoài khơi bờ biển phía bắc Jakarta. Họ cũng đã thành lập một trung tâm đặc biệt tại sân bay Pontianak Supadio để lấy mẫu ADN của thân nhân hành khách để phục vụ công tác nhận dạng.
"Chúng tôi đã triển khai 51 nhân viên túc trực ở trạm để thu thập mẫu cùng nhân viên nhóm nhận dạng nạn nhân", Yani Permana, trợ lý ủy viên cảnh sát cấp cao, nói.
Hiện giới chức chưa đưa ra bất cứ nhận định nào về nguyên nhân tai nạn. Lực lượng cứu nạn đã xác định được vị trí của hai hộp đen máy bay tại hiện trường, được kỳ vọng sẽ giúp họ hiểu rõ hơn điều gì đã xảy ra với chiếc phi cơ xấu số.
Hồng Hạnh (Theo Reuters/BBC)