Eleanor, 35 tuổi, phải điều trị chứng rối loạn lo âu sau khi mắc Covid-19 dù trước đó sức khỏe tâm thần hoàn toàn bình thường. Eleanor cho rằng các vấn đề tâm lý cô gặp phải một phần do đồng nghiệp và bác sĩ điều trị coi nhẹ triệu chứng bệnh của cô hồi cuối tháng 3.
"Người quản lý nói tôi không mắc Covid-19 vì không thấy tôi ho dai dẳng trong một giờ. Bác sĩ đa khoa thì bảo tôi chỉ bị lo âu", Eleanor chia sẻ.
Không được làm xét nghiệm ban đầu, tình trạng ngày một nghiêm trọng, Eleanor ho ra dịch nhầy từ phổi. Khi công ty tổ chức xét nghiệm cho nhân viên, cô không đủ khỏe để tới tham gia. Hàng đêm khi đi ngủ, Eleanor tự hỏi liệu hôm sau mình có thể tiếp tục thở hay không.
Tới tuần thứ 8, Eleanor vẫn sốt. Bác sĩ nói có thể cô đã nhiễm nCoV. "Tôi rất buồn vì phải hoãn đám cưới, đối diện với phản ứng của mọi người với bệnh tình của mình, tâm trạng tôi càng đi xuống", Eleanor chia sẻ. "Tôi nghĩ mình đã rất buồn và đau khổ vì không được ai tin tưởng, coi trọng".
Xuất hiện triệu chứng Covid-19 từ tháng 3, Sophie, 26 tuổi, sống tại Hampshire, bị các cơn hoảng loạn tấn công cả ngày. Trước đó, cô cũng không có vấn đề tâm lý.
"Mỗi ngày tôi tự hỏi liệu mình có thể sống tiếp không, dù còn nhiều bệnh nhân khác nặng hơn tôi phải nhập viện và trợ thở", Sophie kể. "Những kịch bản tồi tệ liên tục xuất hiện trong đầu. Tôi lo lắng ngay cả khi đi mua sắm".
Sophie vẫn dùng thuốc điều trị tâm lý dù đã khỏi Covid-19 vài tháng. "Tôi không biết mình có mắc Covid-19 hay không vì không được xét nghiệm, các thông tin về đại dịch và các ca tử vong liên tục xuất hiện trên báo đài làm tôi càng căng thẳng", Sophie nói.
Jane, 66, sống tại vùng biên giới xứ Wales, trải qua đợt trầm cảm nghiêm trọng nhất trong suốt 15 năm mắc bệnh. Các triệu chứng của cô nặng dần, từ các cơn ho dai dẳng kéo dài ba tuần tới mệt mỏi tột độ, trầm cảm nặng, không thể đi bộ đường dài.
"Tôi từng bị trầm cảm nhưng vẫn có thể vượt qua bằng cách chăm sóc bản thân, ăn đồ ăn ngon, không khí trong lành. Lần này thì khác", Jane nói. "Có lúc tôi lên kế hoạch tự sát, lập danh sách người thân thông báo về cái chết của mình".
Theo bác sĩ điều trị của Jane, tất cả triệu chứng trầm cảm của cô đều xuất phát từ việc mắc Covid-19. Tình trạng mệt mỏi, ủ rũ đã kéo dài được bốn tháng nay, Jane trở nên mau quên hơn trước.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Oxford đăng trên tạp chí Lancet Psychiatry hôm 10/11, khoảng 20% bệnh nhân Covid-19 gặp các rối loạn tâm thần sau ba tháng mắc bệnh. Lo âu, trầm cảm, mất ngủ là những tình trạng phổ biến nhất. Người có tiền sử các vấn đề tâm lý có 65% nguy cơ nhiễm nCoV so với người bình thường.
"Mọi người vẫn lo lắng bệnh nhân khỏi Covid-19 có nguy cơ mắc các vấn đề tâm thần. Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh điều này có thể xảy ra", Paul Harrison, giáo sư tâm thần học tại Oxford nói.
Ông nhấn mạnh bác sĩ và các nhà khoa học trên thế giới cần khẩn trương tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị cho các vấn đề tâm thần hậu Covid-19.
Các chuyên gia sức khỏe tâm lý không thuộc nhóm nghiên cứu cho hay phát hiện củng cố thêm bằng chứng cho thấy Covid-19 có thể ảnh hưởng đến não, tâm trí, tăng nguy cơ rối loạn tâm thần.
"Nguyên nhân là do sự kết hợp của các yếu tố gây căng thẳng liên quan tới đại dịch và các tác động vật lý của căn bệnh", Michael Bloomfield, chuyên gia tư vấn tâm thần tại Đại học London giải thích.
Lê Hằng (Theo Guardian, Reuters)