Tôi đã nhiều lần đi xem các trận đấu của hai đội bóng này, cũng như các trận đá bóng của các đội tuyển nam nữ quốc gia Mỹ.
Trải nghiệm xem thi đấu thể thao ở Mỹ có một số điểm khác biệt nhất định. Ở Mỹ, các sân vận động đều có bán bia, các loại thức ăn uống khác nhau, và ngoài ghế ngồi trên khán đài thì luôn có băng ghế đá, bàn, và những nơi bán thức ăn thì như một cái quán nhỏ, có cả bàn ngồi.
Từ trước trận đấu, khán giả tới sớm, ăn uống cười đùa. Thậm chí ngay khi trận đấu diễn ra cũng có nhiều người lang thang hàng quán, ăn uống là chính. Chỗ ngồi trên khán đài cũng có nhiều loại khác nhau.
Khán đài luôn có các "box", tức là các phòng được xây kín, có cửa ra vào, bên trong có bàn ghế và tivi trực tiếp trận đấu trên sân. Một số phòng được mua trước cả mùa giải, một số phòng thì được bán vé theo từng trận.
Một lần tôi được một doanh nhân mời tới một phòng như thế ở sân bóng chày cùng với một số người khác. Chúng tôi nói chuyện làm ăn, uống rượu và ăn vài món ăn vặt, còn diễn biến trận đấu trên sân thì là chuyện phụ.
Cũng có vài lần tôi được công ty tổ chức đi xem bóng chày. Hạng vé chỉ là ghế thông thường, và công ty mua cho mỗi người một lon bia và một cái xúc xích. Chúng tôi ngồi ăn và nói chuyện với nhau, kiểu như một dạng team building, chỉ là không phải tham gia trò chơi mệt mỏi.
Ở trên sân thì không phải chỉ có trận đấu thể thao. Đội bóng đá địa phương hàng năm đều dành một số trận nhất định để làm "theme day" (tạm dịch: ngày chủ đề, là một ngày đặc biệt mà một tổ chức, trường học, công ty hoặc nhóm người chọn một chủ đề cụ thể để tập trung vào các hoạt động và sự kiện liên quan đến chủ đề đó) với những chủ đề khác nhau.
Ngoài ra thì một nửa số trận đấu trên sân nhà cũng có đủ thứ chủ đề, từ ngày tôn vinh di sản người gốc Á với màn trình diễn áo dài của một cầu thủ gốc Việt trong đội, tới ngày nhập trường với các nhân vật hoạt hình của Dr. Suess, một tác giả sách trẻ em nổi tiếng với quê quán ở địa phương.
Rồi ngày của Mẹ, ngày của Cha, ngày trẻ em miễn phí vé vào sân... Mỗi ngày có một nhà tài trợ khác nhau, với một công ty cà phê Hawaii tài trợ ngày tôn vinh người gốc Á, bệnh viện địa phương tài trợ ngày của mẹ...
Các công ty này sẽ phát đồ quảng cáo cho công ty, phát sản phẩm cà phê các loại. Thậm chí là chủ công ty cà phê tài trợ còn được ra hát quốc ca, bởi vì bà ấy là ca sĩ opera đã giải nghệ, cũng là một cách trả quyền lợi cho nhà tài trợ.
Các influencers (người có sức ảnh hưởng) trên Tiktok, Instagram cũng được mời tới đánh trống khai mạc trận đấu. Vìvậy mỗi trận đấu thể thao trở thành một dịp để đi picnic, ăn uống cùng gia đình và bạn bè, đi team building, bàn việc làm ăn với đối tác, xem ca nhạc, hẹn hò, xem biểu diễn quân sự, gặp gỡ người nổi tiếng.
Hồi World Cup bóng đá nữ 2019, cầu thủ Megan Rapinoe trình diễn một màn ăn mừng khi ghi bàn, khi đó cô ấy đứng dang hai tay ra và ngẩng đầu lên. Cô ấy giải thích rằng cách ăn mừng đó là nhằm gửi đi thông điệp "Chẳng phải là bạn đang được giải trí hay sao?".
Rapinoe nói rằng, các cầu thủ thật ra đang làm việc trong ngành giải trí, mỗi trận đấu đều phải mang tính giải trí cao thì khán giả mới xem.
Vì vậy tôi nghĩ thể thao, đặc biệt là bóng đá Việt Nam nên xem xét cách đa dạng hóa sản phẩm, để mỗi trận đấu không phải chỉ là việc các cầu thủ rượt theo quả bóng. Thay vào đó, các trận cầu được bán kèm theo dịch vụ ăn uống, cung cấp chỗ để con người tương tác với nhau, cung cấp các sản phẩm ca nhạc, biểu diễn nghệ thuật...
Một sản phẩm giải trí như vậy dễ bán hơn, phục vụ nhu cầu đại chúng nhiều hơn. Thể thao chuyên nghiệp thật ra để phục vụ nhu cầu giải trí của con người. Người Mỹ, vốn là bậc thầy của showbiz, đã biến thể thao thao thành một mặt hàng bán rất chạy.
Học hỏi cách bán hàng của họ cũng là một hướng đi cho thể thao Việt Nam.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.