Từ khoảng 20.000 người nhiễm nCoV một ngày vào tháng 8, số ca ở Nhật Bản đột ngột giảm thẳng đứng cho đến giữa tháng 10. Tokyo ghi nhận 6.000 người mắc Covid-19 một ngày vào giữa tháng 8, hôm 24/11 báo cáo 5 ca nhiễm mới nCoV, mức thấp nhất trong năm, và không ghi nhận thêm ca tử vong vì Covid-19. Những tuần gần đây, số ca mắc mới cả nước Nhật dưới 200, riêng ngày 24/11 ghi nhận 113 ca.
Nhiều người thắc mắc lý do khiến số ca Covid-19 tại nước này giảm thẳng đứng. Trả lời VnExpress, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyên Quý công tác tại Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Đại học Kyoto, đồng sáng lập Tổ chức Y học cộng đồng, đưa ra nhiều giả thiết.
Thứ nhất, theo ông Quý, tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 trong cộng đồng cao, với 75% dân số Nhật Bản đã hoàn thành liệu trình tiêm. Điều này là yếu tố quyết định khiến số ca nhiễm giảm xuống.
Tuy nhiên, theo giáo sư Mike Toole, chuyên gia dịch tễ tại Viện Burnet, tiêm chủng không phải lý do duy nhất khiến số ca nhiễm nước này giảm đột ngột. "Không thể lấy mỗi vaccine để giải thích tình hình tại Nhật Bản. Còn 30% trong số 100 triệu dân chưa tiêm chủng, tức là vẫn còn chỗ cho virus lây lan", ông cho biết trong một bài báo gần đây.
Bác sĩ Quý đưa ra giả thiết thứ hai, đó là ảnh hưởng từ khí hậu. Thời tiết mùa thu mát mẻ, người dân không dùng điều hòa, thường xuyên mở cửa sổ tại nhà và nơi công sở, giúp thông thoáng khí, ngăn chặn nCoV lây lan.
Giả thiết thứ ba là ý thức người dân. Sau Thế vận hội Olympic, số ca nhiễm nCoV tại Nhật Bản vẫn cao chóng mặt, đẩy hệ thống y tế đến bờ vực. Cuối tháng 8, số bệnh nhân theo ngày thường chạm ngưỡng hơn 26.000, chính phủ phải áp đặt một số biện pháp hạn chế để giảm lây truyền và đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng. Người dân thực hiện nghiêm các biện pháp này, hạn chế hẹn hò, nhậu nhẹt, tụ tập vào ban đêm, từ đó phần nào kìm hãm được sự bùng phát của dịch bệnh.
Cuối cùng, yếu tố không thay đổi từ trước nhưng có thể làm nên sự khác biệt với các nước khác, đó là bản tính người Nhật trầm tĩnh, ít nói, không kề vai bá cổ, rỉ rả nói chuyện phiếm trong khi làm việc. Đặc biệt, biện pháp phòng dịch là rửa tay, đeo khẩu trang được người Nhật thực hiện tốt. Các chuyên gia cho rằng đeo khẩu trang là thói quen của người dân Nhật Bản. Khi các quốc gia khác nới dần quy định đeo khẩu trang trong nhà và các địa điểm khác, hầu hết người Nhật vẫn không có ý định bỏ khẩu trang. Những yếu tố này gộp lại khiến cho số ca Covid-19 tại nước này giảm mạnh.
Trong các giả thiết trên, bác sĩ Quý nhấn mạnh: "Yếu tố thoáng khí và giãn cách được người Nhật chú trọng nhiều". Tại bệnh viện luôn có lịch mở cửa sổ để tăng thoáng khí cho toàn bộ căn phòng. Mỗi khu làm việc có một bảng ghi chú cơ bản nhằm đánh giá, xác nhận tình trạng thực hiện các biện pháp ngăn chặn nCoV. Trong bảng có các mục về: quản lý tổ chức, phương pháp phòng tránh lây nhiễm cơ bản, các biện pháp thực tế nhằm ngăn chặn Covid-19, cân nhắc đối với nhân viên trong những tình huống nhất định, những điều cần làm khi một nhân viên nhiễm Covid-19 hoặc trở thành người tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19... để nhân viên thực hiện.
Khi phát hiện ca nhiễm ở nơi làm việc, người Nhật rất bình tĩnh. Nhờ thông thoáng khí tốt, Covid-19 khó lây lan thành cụm. "Cá nhân tôi và các đồng nghiệp ăn uống ở canteen, bệnh viện vẫn khuyến khích giữ im lặng. Khi nói chuyện thì giữ khoảng cách tối thiểu một mét và đeo khẩu trang", bác sĩ cho biết.
Ngoài tác động từ phủ rộng vaccine, có ý kiến cho rằng số lượng người xét nghiệm giảm dẫn đến số ca Covid-19 giảm. Tuy nhiên, dữ liệu của chính quyền Tokyo cho thấy tỷ lệ dương tính giảm từ 25% vào cuối tháng 8 xuống còn 1% vào giữa tháng 10, trong khi số xét nghiệm chỉ giảm một phần ba. Theo Masataka Inokuchi, Phó giám đốc Hiệp hội Y khoa Tokyo, tỷ lệ dương tính giảm cho thấy dịch bệnh đã thực sự suy yếu.
Bên cạnh những giả thiết của bác sĩ Quý, nhiều chuyên gia cho rằng Covid-19 tại Nhật Bản suy yếu do virus vật lộn tự sửa chữa các lỗi sai một thời gian dài, cuối cùng dẫn đến "tự hủy diệt". Theo đó, ông Ituro Inoue, giáo sư tại Viện Di truyền Quốc gia, đưa ra một lý thuyết tiềm năng mang tính cách mạng: Biến thể Delta tại Nhật Bản đã tích lũy quá nhiều đột biến với một protein không cấu trúc, có khả năng sửa lỗi di truyền của nCoV tên là nsp14. Kết quả, virus vật lộn tự sửa chữa các lỗi sai một thời gian dài, cuối cùng dẫn đến "tự hủy diệt".
Song, tất cả mới chỉ nằm ở giả thiết, chưa được chứng minh. Các chuyên gia y tế công cộng vẫn đang điều tra toàn diện về lý do khiến dịch bệnh tại Nhật Bản suy yếu đột ngột. Giới khoa học nhận định xu hướng Covid-19 "đảo chiều" ở Nhật Bản không phải do một yếu tố đơn lẻ nào, nhưng nhiều người đồng thuận thành công của chiến dịch tiêm chủng đã góp phần lớn giúp nước này thoát miệng vực Covid.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo không nên vội vã cho rằng mối nguy hiểm đã kết thúc, đồng thời nhận định số ca nhiễm có thể tăng trở lại khi mùa đông đang đến gần và mọi người tụ tập nhiều trong mùa tiệc tùng cuối năm.