Thạc sĩ, bác sĩ Calvin Q Trịnh, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP HCM, chia sẻ: Thế giới thời Trung cổ đã trải qua những đại dịch lớn khiến hàng chục triệu người tử vong. Nếu virus không tự yếu đi thì loài người sẽ khó tồn tại. Có hai lý do khiến virus suy yếu. Thứ nhất, do hệ miễn dịch của con người tăng lên, có thể là miễn dịch tự nhiên hoặc tiêm vaccine. Thứ hai, virus là dạng sống đơn sơ nhất, không phát triển mà chỉ có đột biến ngẫu nhiên nhân bản thành dạng khác.
"Khi đột biến thành dạng khác, virus có thể mạnh lên hoặc yếu đi, không thể đạt đến trình độ có thể chống lại vaccine. Ví dụ, tình trạng kháng kháng sinh là do lạm dụng kháng sinh khiến vi trùng quen với thuốc chứ không phải do bản thân vi trùng biến thành dạng mới chống lại kháng sinh", bác sĩ Trịnh cho biết.
Tuy nhiên với nCoV gây đại dịch Covid-19, cần có nghiên cứu cụ thể mới có thể khẳng định được là virus có đang suy yếu hay không, bác sĩ Trịnh nói.
Tại Nhật Bản, sau khi Covid-19 đạt đỉnh vào giữa tháng 8, các ca nhiễm hàng ngày giảm xuống dưới 5.000 vào giữa tháng 9 và dưới 200 vào cuối tháng 10. Ituro Inoue, giáo sư tại Viện Di truyền Quốc gia, đưa ra một lý thuyết tiềm năng mang tính cách mạng: Biến thể Delta tại Nhật Bản đã tích lũy quá nhiều đột biến với một protein không cấu trúc, có khả năng sửa lỗi di truyền của nCoV tên là nsp14. Kết quả, virus vật lộn tự sửa chữa các lỗi sai một thời gian dài, cuối cùng dẫn đến "tự hủy diệt".
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cho rằng giả thuyết Covid-19 tại Nhật Bản suy yếu do virus "tự hủy diệt" có thể xảy ra tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ hơn và không nên chủ quan.
"Virus có thể thoái hóa dẫn đến tự hủy diệt nhưng không biến mất hoàn toàn mà tiềm tàng, khi có cơ hội sẽ bùng phát trở lại. Ví dụ, một số loại gần như đã biến mất như virus bại liệt, virus đậu mùa nhưng vẫn có một số loại tiềm tàng khi đến mùa lại bùng phát như virus sởi, virus rubella...", bác sĩ Tiến giải thích.
Virus không sống độc lập mà ký sinh trên tế bào vi khuẩn, động vật, người... nên khi có điều kiện phù hợp sẽ bùng phát. Chẳng hạn virus Varicella zoster nằm ngủ trong các tế bào thần kinh người, khi hệ miễn dịch cơ thể suy yếu, nó có thể bùng lên nổi đám mụn nước mà dân gian hay gọi là "giời leo".
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn Khoa Nhiễm Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng miễn dịch cộng đồng là yếu tố giúp Covid-19 suy yếu chứ không phải do đột biến gene nào đó khiến virus không thể nhân lên.
"Hiện chủng Delta chiếm 98% số ca mắc mới trên thế giới. Khi một chủng chiếm đa số rồi khó có chủng mới thay thế gây lây thêm. Khi virus tấn công, cơ thể người tạo ra kháng thể (bằng tiêm vaccine hoặc đã mắc Covid-19) thì sẽ không cho virus nhân lên. Virus có chu kỳ sống, không nhân lên thì sẽ chết đi", bác sĩ Khanh phân tích.
Do đó theo bác sĩ Khanh, vai trò của miễn dịch cộng đồng rất quan trọng. Khi có miễn dịch cộng đồng virus sẽ tự thuần với con người, giảm tỷ lệ bệnh nặng và tử vong.
7 tuần trước Olympic Tokyo, chỉ 3,5% dân số Nhật Bản được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ. Kết quả là đến cuối tháng 7, số ca nhiễm nCoV mới ở Tokyo và toàn nước Nhật liên tục lập kỷ lục với biến chủng Delta càn quét. Tuy nhiên, tình hình hiện nay hoàn toàn đảo ngược khi tỷ lệ tiêm chủng tăng. Số ca nhiễm mới mỗi ngày trên toàn quốc giảm mạnh từ mức kỷ lục gần 26.000, được ghi nhận vào ngày 20/8, xuống còn dưới 200 vài tuần gần đây. Ngày 7/11, lần đầu tiên trong vòng 15 tháng, Nhật Bản không ghi nhận ca tử vong mới nào.
Ngoài những yếu tố như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, vốn đã trở thành thói quen ăn sâu trong xã hội Nhật Bản, cùng giả thuyết virus có thể đã "tự hủy" do tích lũy quá nhiều đột biến, nhiều học giả nhận định thành tựu tiêm chủng là một yếu tố giúp ca nhiễm tại Nhật giảm thẳng đứng. Nước này đạt tỷ lệ tiêm vaccine cao hàng đầu thế giới, với khoảng 76% dân số đã được tiêm đầy đủ.
Ngoài Nhật Bản, hiện châu Phi cũng là châu lục có số ca mắc Covid-19 giảm nhanh một cách khó hiểu. Hiện châu lục này mới tiêm chủng cho dưới 6% dân số nhưng trong nhiều tháng, WHO mô tả châu Phi là "một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng nhất toàn cầu".
Theo một số chuyên gia, nguyên nhân có thể do đây là lục địa trẻ. Độ tuổi trung bình của người dân châu Phi là 20, thấp hơn so với 43 tuổi ở châu Âu. Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn, người dân có xu hướng dành thời gian ngoài trời nhiều, từ đó tránh được tác động chết người của virus. Những nghiên cứu khác tìm hiểu về lý do di truyền hoặc thời gian dài cộng đồng nhiễm các bệnh về ký sinh trùng, sinh phản ứng miễn dịch tự nhiên.
Lê Cầm