Thông tin đề cập trong quyết định của UBND thành phố về phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ trường hợp trong diện giải phóng mặt bằng làm Vành đai 3. Đây là cơ sở để TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh - nơi tuyến đi qua, ra quyết định thu hồi đất và chi trả tiền bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng.
Tuyến đường qua địa bàn thành phố dài hơn 47 km, tổng diện tích giải toả hơn 397 ha, với khoảng 1.670 trường hợp liên quan.
Trong 4 địa phương trên, giá bồi thường cao nhất ở TP Thủ Đức với khoảng 73,3 triệu đồng mỗi m2 đất ở, mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh. Kế đến là huyện Bình Chánh, giá đất ở cao nhất trên tuyến Trần Văn Giàu, với khoảng 42,7 triệu đồng mỗi m2. Hai huyện còn lại gồm Hóc Môn, Củ Chi, giá đất ở cao nhất lần lượt trên các tuyến Nguyễn Văn Bứa và Hà Duy Phiên, mỗi m2 được tính với giá đền bù khoảng 35,6 triệu đồng và 19,5 triệu đồng.
Việc tính giá bồi thường ở dự án được TP HCM căn cứ theo loại đất (ở, nông nghiệp và sản xuất), tuyến đường và vị trí khu đất. Trong đó, đất ở và vị trí số một (mặt tiền đường) được tính với giá cao nhất. Dự kiến từ tuần này các địa phương bắt đầu chi trả tiền bồi thường, đến ngày 15/6 sẽ bàn giao 70-85% tổng diện tích mặt bằng để khởi công dự án.
Toàn tuyến Vành đai 3 đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, đầu tư giai đoạn một với chiều dài hơn 76 km, tổng vốn hơn 75.300 tỷ đồng. Tuyến đường chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án, gồm: giải phóng mặt bằng và xây lắp. Theo kế hoạch, công trình sẽ khởi công giữa năm nay, hoàn thành sau ba năm. Đây được xem là tuyến đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành đi qua mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Gia Minh