Ngày 14/3, Bộ Y tế tái khẳng định lập trường cứng rắn, bất chấp cuộc đình công kéo dài khiến nhiều ca phẫu thuật bị hủy bỏ, thủ tục điều trị trì hoãn. Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập của đất nước đã nghỉ việc để phản đối quyết định tăng 2.000 suất tuyển sinh trong năm 2025 của chính phủ. Mâu thuẫn leo thang khi các giáo sư trường y đe dọa sẽ nộp đơn từ chức hàng loạt, nếu chính phủ không có hành động cải thiện tình hình.
"Không có chuyện chính phủ tham gia đàm phán với một nhóm chuyên môn cụ thể về chỉ tiêu tuyển sinh. Chính phủ không thể đặc biệt phản ứng trước những ý kiến cho rằng mạng sống của bệnh nhân sẽ nguy kịch nếu chúng tôi không tham gia đàm phán", Bộ trưởng Y tế Min-soo cho biết.
Trước đó, hơn 5.000 chuyên gia y tế ký bản kiến nghị, kêu gọi chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol đàm phán về cải cách ngành y. Bản kiến nghị do 16 giáo sư và chuyên gia từ Trung tâm Y tế Seoul Asan, Bệnh viện Yeouido St. Mary thuộc Đại học Công giáo Hàn Quốc, Bệnh viện Severance và các tổ chức đưa ra.
Trong phần mục tiêu, các giáo sư chỉ ra rằng bác sĩ nội trú, thực tập sinh rời bỏ vị trí vì thất vọng và bất lực. Họ cho rằng chính phủ đang triển khai chính sách mà không tính đến thảm họa y tế có thể xảy ra.
"Công chúng ngày càng lo lắng, dù chúng tôi đang cố gắng hết sức để đối phó, nhưng chúng tôi không biết mình cầm cự được bao lâu", kiến nghị nêu rõ.
Tuyên bố cho rằng phản ứng mạnh mẽ của chính phủ làm trầm trọng hóa tình trạng mất lòng tin vào hệ thống y tế, tạo tình huống xấu nhất là bác sĩ nội trú và thực tập sinh vĩnh viễn rời bỏ công việc. Những người đồng tình chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ khi đưa ra chính sách y tế mới. Họ kêu gọi giới chức ngồi vào bàn đối thoại.
"Chúng tôi kêu gọi chính phủ đề xuất các biện pháp ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe thiết yếu và tại vùng nông thôn, đồng thời cho phép bác sĩ nội trú, thực tập sinh đưa ra ý kiến của chính họ", các chuyên gia cho hay.
Kể từ ngày 20/2, hơn 9.000 bác sĩ nội trú, lực lượng nòng cốt chăm sóc và điều trị các bệnh nhân nguy kịch, rời bệnh viện để phản đối chính sách tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường y. Điều này khiến Hàn Quốc đứng trước bờ cuộc khủng hoảng y tế lớn. Cuộc khủng hoảng lan sang cả lĩnh vực đào tạo, khi sinh viên y khoa và nhiều giáo sư trường y nghỉ việc ủng hộ các bác sĩ nội trú. Trong khi đó, chính phủ bắt đầu tước giấy phép hành nghề của gần 5.000 bác sĩ trên, đồng thời xét đến xử lý hình sự.
Những người đình công phản đối việc chính phủ đưa ra chương trình cải cách đào tạo ngành y, kêu gọi tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000 người từ năm 2025. Họ cho rằng kế hoạch tăng số lượng sinh viên trường y này sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, cũng như ảnh hưởng đến thu nhập và địa vị xã hội của họ. Thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chính phủ nên giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của nhân viên y tế hiện tại.
Các chuyên gia nhận định Hàn Quốc thường thiếu bác sĩ tại các chuyên ngành thiết yếu. Sinh viên y khoa ra trường có xu hướng ưu tiên chọn các ngành như da liễu và thẩm mỹ. Nếu tăng thêm chỉ tiêu, áp lực cạnh tranh ở các nhóm ngành nổi tiếng sẽ cao hơn, song các ngành thiết yếu vẫn chịu tình trạng thiếu bác sĩ.
Thục Linh (Theo Yonhap)