Quyết định nghỉ học của các sinh viên có thể khiến họ không được lên lớp. Hôm 12/3, Bộ Giáo dục cho biết 30 trường y khác cũng phải hoãn khai giảng học kỳ mới trong bối cảnh các bác sĩ và sinh viên y khoa đình công phản đối kế hoạch bổ sung 2.000 chỉ tiêu vào năm tới.
Trong số 40 trường y, có 10 trường đã khai giảng học kỳ mới, nhưng sinh viên không đến lớp. 30 trường còn lại buộc phải điều chỉnh lịch học. Nếu làn sóng phản đối tiếp diễn, hàng loạt sinh viên sẽ không đủ điều kiện học tiếp. Tại hầu hết trường y, sinh viên sẽ bị đánh trượt nếu vắng mặt một phần ba hoặc một phần tư tổng số lớp. Những sinh viên bị điểm F cũng phải học lại.
Đơn cử, tại Đại học Hallym ở thành phố Chuncheon, sinh viên sẽ bị điểm F nếu không quay trở lại trường trước ngày 14/3, do không tham gia đủ số lớp bắt buộc tối thiểu trong một học kỳ.
Tuy nhiên, các trường đại học đều đang cố gắng ngăn chặn tình trạng này xảy ra bằng cách bổ sung thêm các lớp học tối, vốn ấn định là 15 tuần trong một kỳ.
Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho đã yêu cầu Hiệp hội Sinh viên Y khoa Hàn Quốc trả lời đề xuất đàm phán trước 6h chiều ngày 13/3.
Theo Bộ Giáo dục, tính đến 10/3, tổng cộng hơn 5.400 sinh viên nghỉ học có đơn xin phép hợp lệ, chiếm 29% tổng số 18.700 sinh viên toàn quốc.
Kể từ ngày 20/2, hơn 9.000 bác sĩ y khoa, lực lượng nòng cốt chăm sóc và điều trị các bệnh nhân nguy kịch, hiện rời bệnh viện để phản đối chính sách tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường y. Điều này khiến Hàn Quốc đứng trước bờ cuộc khủng hoảng y tế lớn.
Nhiều giáo sư y khoa tại Hàn Quốc cũng tuyên bố nghỉ dạy để phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trên. Theo Hiệp hội Y khoa Daegu, ngày 8/3, nhóm các trưởng khoa tại Trường Y Đại học Quốc gia Kyungpook đã đưa ra tuyên bố sẽ từ chức tập thể để "chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình hiện tại".
Những người đình công phản đối việc chính phủ đưa ra chương trình cải cách đào tạo ngành y, kêu gọi tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000 người từ năm 2025. Họ cho rằng kế hoạch tăng số lượng sinh viên trường y này sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế. Thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chính phủ nên giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của nhân viên y tế hiện tại.
Thục Linh (Theo Yonhap, Korea Herald)