PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), nêu quan điểm trên tại tọa đàm trực tuyến "Chuyển trạng thái phòng chống dịch: Trách nhiệm và bản lĩnh", sáng 15/10.
Theo bà Hương, Bộ Y tế đã tiếp thu ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, doanh nghiệp, người dân, địa phương, để tham mưu Chính phủ ban hành Quy định Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Đại diện Bộ Y tế cho hay, thích ứng an toàn là chấp nhận có số lượng F0 nhất định trong cộng đồng. "Ở trạng thái bình thường mới, địa bàn có ca mắc trong cộng đồng song vẫn ổn định phát triển kinh doanh", bà Hương nói.
Linh hoạt là các địa phương, doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp khác nhau, miễn sao không làm trái với quy định của Chính phủ.
Kiểm soát hiệu quả Covid-19 là phát hiện sớm, khoanh vùng dịch bệnh (thu hẹp, khoanh vùng ổ dịch), để giảm tối đa sự ảnh hưởng đến người dân. Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát diện rộng, địa phương phải lập tức báo cáo Bộ Y tế.
Hiện nay các địa phương căn cứ vào tiêu chí trong hướng dẫn của Bộ Y tế, xếp loại cấp độ nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn để có biện pháp ứng phó phù hợp; thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Bà Hương nhắc lại, chỉ ba nhóm người dân cần xét nghiệm khi đi lại là: người đến từ địa bàn cấp 4; người phải cách ly hoặc theo dõi y tế; người đến từ địa bàn cấp 3 cần điều tra dịch tễ. Ngoài ra, vận tải hàng hóa được lưu thông ở tất cả các cấp độ nguy cơ. "Vì vậy, các địa phương phải cập nhật, đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã và thấp hơn để đảm bảo vận tải lưu thông, an toàn", bà Hương nói.
Về việc áp dụng hộ chiếu vaccine, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai để mở cửa du lịch. Đơn cử, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) chuẩn bị đón khách quốc tế. Ngành y tế cũng đang thúc đẩy tiêm chủng cho toàn dân.
Cơ sở du lịch được hoạt động ở cả bốn cấp độ, chỉ bị hạn chế ở cấp 4. "Như vậy, Chính phủ, Bộ Y tế đã tạo điều kiện rất nhiều cho các ngành được hoạt động lại trong điều kiện dịch bệnh", Cục trưởng Quản lý môi trường y tế chia sẻ.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, đề xuất bỏ "luồng xanh" với xe chở hàng hóa, trở lại bình thường như trước đây.
Theo ông, "luồng xanh" chỉ phù hợp trong điều kiện hạn chế mặt hàng vận chuyển, phạm vi hẹp và thời gian ngắn. Hiện nay, "luồng xanh" không còn phù hợp, gây ra các bất cập, đơn cử như khi đăng ký để được cấp mã luồng xanh, nhiều doanh nghiệp, chủ xe phải chờ cả ngày.
"Ở chiều đi, các xe có thể kê khai để vào "luồng xanh", nhưng khi về, có xe nhận hàng mới, giao trả hàng nhỏ lẻ. Vậy thì làm sao để kiểm soát được thực tế này", ông Quyền bày tỏ.
Bên cạnh đó, hành trình đi của các xe không phải chỉ trên quốc lộ, mà có thể vào các đường nhỏ, dẫn đến phát sinh vấn đề ở chốt kiểm dịch địa phương, bởi trong mã cấp phép không ghi chi tiết. "Tinh thần thích ứng an toàn của Chính phủ là loại bỏ giấy tờ con. Liệu mã luồng xanh có phải là giấy tờ con? Tôi đề nghị sớm nghiên cứu bỏ quy định xe luồng xanh", ông Quyền nêu đề xuất.
Từ giữa tháng 7/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố luồng xanh quốc gia phục vụ xe ưu tiên lưu thông trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, nhiều địa phương giãn cách nghiêm ngặt và dựng chốt kiểm soát ở cửa ngõ.
Đầu tháng 10, lãnh đạo Chính phủ đánh giá dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Đến ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", trong đó phân loại bốn cấp độ dịch bệnh.
Hai ngày sau, Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch; đồng thời đề nghị các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với người dân đi lại, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4, vùng phong tỏa và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Hôm nay (15/10) ghi nhận trên toàn quốc, nhiều địa phương bước đầu ban hành quy định để thực hiện nghị quyết 128, tuy nhiên hầu hết chưa công bố chính thức việc phân loại cấp độ dịch bệnh trên địa bàn. Nhiều tỉnh, thành duy trì chốt cửa ngõ và vẫn kiểm soát giấy xét nghiệm Covid-19.