Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", trong đó phân loại bốn cấp độ dịch bệnh.
Hai ngày sau, Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch; đồng thời đề nghị các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với người dân đi lại, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4, vùng phong tỏa và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Hôm nay (15/10) ghi nhận trên toàn quốc, nhiều địa phương bước đầu ban hành quy định để thực hiện nghị quyết 128, tuy nhiên hầu hết chưa công bố chính thức việc phân loại cấp độ dịch bệnh trên địa bàn. Nhiều tỉnh, thành duy trì chốt cửa ngõ và vẫn kiểm soát giấy xét nghiệm Covid-19.
Tại Hà Nội, trước câu hỏi thành phố đang ở cấp độ dịch nào, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho biết lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn sớm đánh giá tình hình dựa trên các tiêu chí hướng dẫn của Bộ Y tế và Chính phủ để có các biện pháp phù hợp.
Lãnh đạo Công an Hà Nội thông tin, đến sáng 15/10, thành phố chưa có quyết định thu hồi 22 chốt kiểm soát cửa ngõ.
Các tỉnh, thành Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng... đều chưa công bố cấp độ dịch bệnh trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho hay tỉnh này hiện tương ứng màu vàng (cấp 2); còn ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, nói tỉnh đang ở cấp 1 (vùng xanh). Tuy nhiên, hai tỉnh này chưa công bố cấp độ dịch bệnh bằng văn bản.
Đà Nẵng vẫn áp dụng quy định người dân đến hoặc về từ địa phương khác phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ; riêng tài xế xe luồng xanh test nhanh tại các chốt. Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, Bộ Y tế yêu cầu không chỉ định xét nghiệm đi lại của người dân, tuy nhiên "đây là quy định mới ban hành nên Sở đang nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo thành phố ra văn bản hướng dẫn phù hợp với tình hình địa phương".
Với người dân đang sinh sống tại Quảng Nam và Đà Nẵng (hai địa phương giáp ranh), từ ngày 12/10, chính quyền Đà Nẵng đã bỏ yêu cầu có kết quả xét nghiệm nhằm tạo điều kiện đi lại giữa hai địa phương.
Tuy nhiên những ngày qua chốt Hoà Phước và chốt trên đường Trần Đại Nghĩa vẫn diễn ra cảnh ùn ứ do lượng người qua lại giữa Đà Nẵng và Quảng Nam quá đông, khoảng 1/3 không khai báo y tế từ trước. "Để nhanh chóng qua chốt, người dân nên chủ động khai báo y tế, nếu không thạo công nghệ thì nhờ người thân khai giúp", trung tá Trương Ngọc Chiến, Trưởng Trạm CSGT Hoà Phước nói.
Tại Nghệ An, ngày 15/10, tại chốt kiểm soát cửa ngõ đặt ở cầu Bến Thủy 1 (TP Vinh), cảnh sát giao thông vẫn kiểm soát phương tiện hướng từ phía Nam vào.
Người dân từ tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh đến Nghệ An (trừ khu vực đang thực hiện Chỉ thị 16 và 15) chỉ cần trình xác nhận đã tiêm 2 mũi vaccine sẽ được đi qua chốt; nếu tiêm một mũi hoặc chưa tiêm thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính.
Đối với người dân đến từ các tỉnh, thành khác, dù đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn phải có kết quả xét nghiệm PCR trong 72 giờ, nếu không đáp ứng thì có thể test nhanh tại chốt với mức phí 118.000 đồng/lượt. Trong khoảng một giờ trưa nay (15/10), nhân viên y tế tại chốt cầu Bến Thủy 1 đã test nhanh cho hàng chục người.
Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cho biết đơn vị đang hoàn tất văn bản tham mưu cho UBND tỉnh, hướng dẫn tiêu chí phân loại cấp độ thích ứng Covid-19. Trong đó, Nghệ An sẽ không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân; chỉ xét nghiệm với người đến từ địa bàn cấp 4 hoặc vùng phong tỏa... Người đã tiêm đủ liều vaccine và F0 khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.
"Chúng tôi đề xuất theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, song quyết định cuối cùng do lãnh đạo tỉnh đưa ra", đại diện Sở Y tế Nghệ An nói.
Tại tỉnh Khánh Hòa, ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết đối chiếu quy định của Bộ Y tế, địa phương thuộc diện nguy cơ trung bình, tương ứng màu vàng (cấp 2).
Hiện, tỉnh không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân; chỉ xét nghiệm người đến từ các địa bàn cấp 4 hoặc vùng phong tỏa... Người đã tiêm đủ liều vaccine và F0 khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.
Sau khi đánh giá cơ bản khống chế được dịch, tỉnh cho phép các tuyến xe buýt Nha Trang – Ninh Hòa – Vạn Ninh chạy trở lại, nhưng chỉ chở tối đa 50% số ghế. Một số danh lam thắng cảnh ở địa phương cũng được mở cửa đón khách, như tháp bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng.
Đến thời điểm này, tỉnh An Giang chưa triển khai Nghị quyết 128 vào cuộc sống. Theo ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đến chiều qua Bộ Y tế mới có hướng dẫn việc thực hiện nghị quyết, trong khi có rất nhiều tiêu chí mới cần phải nghiên cứu kỹ và thận trọng. Dự kiến, trong hai ngày tới, khi các Sở Y tế và các ngành chuẩn bị xong kế hoạch, tỉnh sẽ họp và cho ý kiến.
"Lo ngại nhất hiện nay số ca nhiễm từ dòng người trở về quê khá nhiều. Trong số hơn 55.000 người về đã ghi nhận 621 ca Covid-19, tỷ lệ 1,2%", ông Phước nói và cho biết nếu việc đánh giá vội vàng, đưa ra cấp độ và biện pháp không phù hợp sẽ gây khó cho công tác phòng chống dịch về sau.
UBND TP Cần Thơ hôm nay có tờ trình gửi Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố về việc ban hành kế hoạch tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trong tình hình mới. Nếu được thông qua, kế hoạch thích ứng sẽ áp dụng vào ngày mai.
Theo tờ trình, thành phố thực hiện các biện pháp tương ứng nguy cơ trung bình (cấp 2). Người dân được khuyến cáo không ra khỏi nhà nếu chưa cần thiết; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng...
Vận tải hành khách được hoạt động nhưng phương tiện phải giảm 50% số hành khách mỗi lượt vận chuyển. Chợ truyền thống tiếp tục dừng đến khi các tiểu thương được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19...
Người dân được rời thành phố, còn người muốn vào Cần Thơ phải xét nghiệm và cách ly theo quy định. Học sinh chưa được đến trường, khuyến khích dạy trực tuyến với học sinh trung học, giáo dục thường xuyên, cao đẳng, đại học...
PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự cố khẩn cấp y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và Bộ Y tế có hướng dẫn, các địa phương cần sớm áp dụng trên thực tế, chuyển trạng thái để đáp ứng tình hình mới.
"Các địa phương không được tự ban hành quy định riêng có tính chất ngăn sông cấm chợ, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế", ông Phu nói.
Nhóm phóng viên