"Bộ yêu cầu các địa phương phải thay đổi chiến thuật trong phòng chống dịch, nâng cao hơn một mức, nhanh hơn một mức", ông khuyến cáo trong cuộc họp trực tuyến với các tình thành chiều 2/2. Phải song song tiến hành hai biện pháp vừa truy vết, vừa khoanh vùng lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, mới có thể ngăn chặn được dịch, như thành phố Chí Linh, Hải Dương đã làm.
Nâng công suất xét nghiệm lên là "vô cùng quan trọng", theo Bộ trưởng Long. Bài học thành công trong chống dịch tại Đà Nẵng hồi tháng 7-8/2020 chính là nâng công suất xét nghiệm. Khi truy vết, lấy mẫu trên diện rộng ở cộng đồng, công suất xét nghiệm phải đảm bảo đủ đáp ứng yêu cầu lấy mẫu.
Đến nay Hải Dương đã tự chủ được phần xét nghiệm, có thể xử lý 15.000 mẫu mỗi ngày, bộ trưởng cho biết. Lực lượng xét nghiệm mà trung ương chi viện cho tỉnh sẽ được rút về hỗ trợ Hà Nội. Trước đó đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết số lượng mẫu cần xét nghiệm quá nhiều, năng lực không đáp ứng đủ khiến ùn tắc mẫu.
Về điều trị, phải hình thành ngay cơ sở điều trị Covid-19 dù hiện nay số bệnh nhân còn ít. Các tỉnh có dịch phức tạp thì thành lập bệnh viện dã chiến ngay.
"Như Hải Dương lúc đầu xảy ra dịch, toàn bộ bệnh nhân nằm trong khu cách ly, không được điều trị", ông Long dẫn chứng. Bộ phải cử hai bệnh viện (Bệnh Nhiệt đới và Bạch Mai) đến Hải Dương thiết lập các bệnh viện dã chiến.
Ông Long nhấn mạnh vấn đề đặc biệt quan trọng là tất cả các tỉnh phải bắt buộc người dân đeo khẩu trang. Bài học từ Công ty Poyun, công nhân không đeo khẩu trang nên lây một loạt ca do tiếp xúc gần trong môi trường kín.
Các tỉnh cũng cần hạn chế tối đa những sự kiện tập trung đông người ở khu vực kín, triển khai biện pháp phòng chống tại nơi tập trung đông người, công sở... Cài đặt các ứng dụng khai báo y tế để biết có gần F0 hay không.
Bộ trưởng cũng khuyến cáo các địa phương chủ động, nếu thấy tình hình cần thiết thì giãn cách ngay theo chỉ thị 15, 16 của Chính phủ.
"Lần này không được phép lơ là chủ quan. Chúng tôi nhấn mạnh là biện pháp chống dịch phải nâng lên một mức vì lây nhiễm lần này hoàn toàn khác, tăng cao hơn lần trước", ông Long nói.
Trong số bệnh nhân đợt dịch này, 80% ca không có triệu chứng, chỉ một ca tình trạng nặng, 3 phải thở oxy. Trong 240 bệnh nhân chỉ khoảng 20 bệnh nhân có biểu hiện bệnh. Các bệnh nhân đa phần ở tuổi thanh niên và trung niên, phạm vi đi lại và giao tiếp rộng.
"Đây là thách thức với ngành y tế và đặc biệt là các bệnh viện", ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám chữa bệnh, đánh giá. Lý do là khi đến bệnh viện khám, bệnh nhân không có triệu chứng nên khó biết là người nhiễm. Vì vậy các cơ sở y tế phải khai thác kỹ tiền sử tất cả người đến khám bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng yêu cầu các bệnh viện phải khám sàng lọc và phân loại bệnh nhân. Trong mẫu hồ sơ bệnh án có mục tiền sử, các bác sĩ phải khai thác kỹ tiền sử về dịch tễ, bệnh, gia đình.
Đối với các bệnh truyền nhiễm, tiền sử dịch tễ rất quan trọng. Song, ông Tuyên cho biết khi kiểm tra một số bệnh viện, hầu như phần khai thác tiền sử hiệu quả rất thấp, rất dễ bị "lọt" nCoV.