Hôm 30/1, sau khi một nhân viên khách sạn có kết quả dương tính nCoV, thành phố Perth đã ban hành lệnh phong tỏa. Từ tối 31/1 đến 5/2, người dân tại thành phố này sẽ phải ở yên trong nhà, ngoại trừ một số trường hợp như có công việc thiết yếu, chăm sóc y tế, mua sắm nhu yếu phẩm hay tập thể dục, Thủ hiến bang Tây Australia Mark McGowan cho biết. Ông kêu gọi người dân hy sinh vì lợi ích chung. "Tình hình rất nghiêm trọng. Mỗi người dân cần làm tất mọi thứ để ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng", ông nói.
Phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ như vậy là điều không tưởng đối với người dân ở châu Âu, nơi các biện pháp không được siết chặt tối đa. Với người Australia, điều này vốn quen thuộc. Nếu hỏi họ về cách làm của chính quyền, người dân sẽ nhún vai. Thay vì kêu ca phàn nàn đòi tự do, họ chấp nhận phong tỏa để đạt lợi ích toàn thể.
Điều này đối lập với Mỹ và châu Âu, nơi chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch. Tổng số người Australia tử vong (909 trường hợp) ít hơn số người chết trung bình mỗi ngày tại Mỹ và Anh. "Chúng tôi có cách để cứu nhiều mạng sống, mở cửa kinh tế, tránh được nỗi sợ và rắc rối", theo ông Ian Mackay, nhà virus học tại Đại học Queensland, người đã phát triển một hệ thống phòng thủ đại dịch nhiều lớp, được ứng dụng rộng rãi.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống Covid-19 của Australia không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Ca nhiễm mới ở Perth cho thấy nước này vẫn ẩn chứa nguy cơ. Một số đợt bùng phát có liên quan tới người cách ly ở khách sạn, khiến Melbourne từng phải phong toả trong 111 ngày. Quy định nghiêm ngặt về xuất nhập cảnh khiến nhiều người gặp khó khăn, trong đó có những công dân Australia bị kẹt ở nước ngoài.
Dù vậy, không thể phủ nhận Australia là một trong số những quốc gia có thành tích chống dịch đáng khen ngợi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. New Zealand, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam là những cái tên tiêu biểu, ứng phó tốt hơn những cường quốc trên thế giới. Nhờ thành công y tế, các tấm gương này không chỉ đạt ổn định về kinh tế mà còn nhận về niềm tự hào và kinh nghiệm chống dịch thực tiễn.
Vị trí địa lý của Australia là lợi thế lớn. Tuy nhiên, nước này vẫn thực hiện những biện pháp mạnh tay. Australia hạn chế nghiêm ngặt việc di chuyển giữa các bang, đồng thời yêu cầu tất cả những ai từ nước ngoài về phải cách ly tại khách sạn kể từ tháng 3/2020. Trong khi đó tại Anh và Mỹ, chỉ người đến từ những điểm nóng mới phải cách ly bắt buộc.
Australia duy trì hệ thống truy vết hiệu quả, ngay cả khi nhiều quốc gia đã từ bỏ. Như trong trường hợp ở Perth, các nhân viên truy dấu nhanh chóng xét nghiệm cho những người sống cùng nhà với bệnh nhân. Hiện họ đều âm tính và đang được cách ly 14 ngày trong một cơ sở của bang. Chính quyền cũng vạch ra lộ trình di chuyển của người đàn ông dương tính.
Trước Giáng sinh, Sydney ghi nhận một số ca nhiễm mới. Các kế hoạch nghỉ lễ đổ bể vì người dân Sydney bị cấm di chuyển sang các bang khác. Xét nghiệm được triển khai nhanh chóng. Chỉ một số ít người phàn nàn, nhưng sự việc đã êm xuôi. Trong hai tuần sau đó, thành phố 5 triệu dân không ghi nhận ca mắc nào.
Brisbane cũng áp lệnh phong tỏa ngắn vào tháng 1 sau khi một nhân viên lau dọn ở khách sạn dương tính với biến thể nCoV Anh. Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể này tại Australia và giới chức trách đã nhanh chóng hành động. Annastacia Palaszczuk, Thủ hiến bang Queensland, ban hành lệnh phong tỏa chỉ 16 giờ sau khi nhân viên kia có kết quả dương tính.
Brisban hiện đã trở về cuộc sống bình thường như bao nơi khác tại Australia trừ Perth. Trên khắp đất nước, các nhà hàng vẫn mở cửa nhưng thực hiện giãn cách xã hội. Khẩu trang được khuyến khích, nhưng không bắt buộc. Sau rất nhiều trở ngại, Giải Quần vợt Australia mở rộng dự kiến sẽ đón 30.000 người đến xem một ngày khi bắt đầu vào ngày 8/2.
Những biện pháp phong tỏa của châu Âu và Mỹ, theo ông Mackay, chưa được làm tới nơi tới chốn. Ông cho rằng họ đặt quá nhiều niềm tin vào vaccine, mà bỏ qua thực tế rằng vaccine không thể kìm hãm đại dịch ngay tức thì.
Phần lớn những nỗ lực ở châu Âu nói riêng chỉ dẫn đến mệt mỏi, sau đó là thất bại. Theo một phân tích của Viện Lowy, một tổ chức tư vấn của Australia, về phản ứng của 98 quốc gia trước đại dịch, nhiều quốc gia châu Âu đứng đầu bảng xếp hạng về khả năng chống dịch trong một vài tháng trước. Song đến nay, Anh, Pháp, và một số nước khác, đang rơi gần xuống đáy cùng hạng với Mỹ. Hervé Lemahieu, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu cho biết: "Họ chưa đi đủ xa. Khi gặt hái được một số thành quả, họ lại nới lỏng quỵ định quá sớm".
Mai Dung (Theo New York Times)