Họp trực tuyến với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 2/2, đại diện Sở Y tế Gia Lai cho biết tới chiều cùng ngày, tỉnh nhận 13 ca dương tính nCoV.
Tiến sĩ Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, đơn vị đang hỗ trợ Gia Lai chống dịch, cho hay trong các bệnh nhân Covid-19 tại đây, chỉ một bệnh nhân có triệu chứng đường tiêu hóa, số còn lại không có biểu hiện.
Gia Lai đã thành lập bệnh viện điều trị Covid-19, với 50 giường, đưa toàn bộ bệnh nhân Covid-19 tại tỉnh về điều trị. Bệnh viện này đặt tại nơi xuất hiện ca đầu tiên là một nhân viên y tế.
"Tỉnh đang tính đến phương án lập Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 200 giường", ông Chiến nói.
Hiện đội truy vết dịch tễ của Gia Lai có 200 người, bình quân truy vết được 300-400 trường hợp F1 một ngày. Ông Chiến nói việc lấy mẫu bệnh phẩm ở khu vực khó khăn hơn nhiều địa bàn khác bởi người dân sống vùng sâu, vùng xa, khó thu thập nhanh. Gần Tết, người dân không tự nguyện phối hợp với cán bộ y tế nên việc lấy mẫu và đưa đi cách ly tập trung cũng khó khăn.
Hiện, năng lực xét nghiệm của Gia Lai khoảng 700 mẫu một ngày. Dự kiến ngày 3/2 sẽ lấy hết 1.500 mẫu.
"Gia Lai đảm bảo được công suất xét nghiệm, nếu quá tải sẽ gửi mẫu đến các Viện của Trung ương như Viện Pasteur TP HCM hay Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Quy Nhơn", ông Chiến nói. Một bệnh nhân Covid-19 tỉnh ghi nhận chiều 1/2, là chuyên viên Viện Sốt rét Trung ương ở Hà Nội đang có chuyến công tác tại Gia Lai và bị lây nhiễm từ người tiếp xúc ca nhiễm.
Tuy nhiên Bộ trưởng Long cho rằng lấy, gửi mẫu đến Trung ương xét nghiệm tốc độ sẽ rất chậm, như tình trạng Hải Dương những ngày đầu lây nhiễm vừa qua.
"Đợt dịch này lây lan rất nhanh nên cần phải tính toán lại việc chuyển mẫu", Bộ trưởng nói.
Ông Long đề nghị Gia Lai đẩy nhanh tiến độ truy vết F1, cách ly tập trung, lấy mẫu toàn bộ F1 để xét nghiệm. Bộ điều động Viện Pasteur TP HCM lên Gia Lai hỗ trợ nâng công suất và tốc độ xét nghiệm, thiết lập phòng xét nghiệm tại chỗ.
Quan điểm của Bộ trưởng là "không chuyển mẫu đi nơi khác xét nghiệm, tập trung tại chỗ xét nghiệm F1 rồi đến F2", Bộ trưởng nói.
Với trường hợp một bệnh nhân là nhân viên y tế (lây nhiễm liên quan Hải Dương) đi làm 10 ngày trước khi xác định dương tính, Bộ trưởng cho rằng hiện chưa có tình trạng lây chéo trong bệnh viện. Do đó, theo quy định, ca nhiễm xuất hiện ở khoa nào thì phong tỏa khoa đó, cách ly tập trung ngay các y bác sĩ có tiếp xúc với bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm; giải phóng, làm sạch bệnh viện như Đà Nẵng đã làm, sau đó đưa bệnh viện hoạt động trở lại. Cùng với đó, xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân.
Dự kiến ngày 3/2, một lãnh đạo Bộ Y tế cùng đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai đến chi viện Gia Lai chống dịch. Bộ trưởng yêu cầu thiết lập một bệnh viện dã chiến 200 giường tại trung tâm tỉnh, thiết lập khoa cấp cứu, tập trung nhân lực về đây. Bộ cung cấp đầy đủ máy móc trang thiết bị hỗ trợ bệnh viện dã chiến ở Gia Lai. Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Y tế dự phòng điều động CDC Đà Nẵng cử đội truy vết dịch tễ đến Gia Lai hỗ trợ.
"Tôi nhận thấy Gia Lai đang truy vết dịch tễ, xét nghiệm, tiến hành phòng chống dịch rất chậm chạp. Đối với dịch lần này, khoanh càng nhanh càng tốt, ưu tiên hàng đầu F1", Bộ trưởng nói.
"Nhanh" là từ được Bộ trưởng Y tế nhắc nhiều lần, do đặc thù Covid-19 lần này lây nhiễm thần tốc do biến thể nCoV từ Anh. 11 mẫu bệnh phẩm liên quan Hải Dương, Quảng Ninh, và một bệnh nhân Hải Dương ghi nhận tại TP HCM đều nhiễm biến thể Anh. Biến thể này đang hoành hành ở Anh và khắp châu Âu, được cho là có khả năng lây truyền cao hơn 70% do các chủng trước. Do đó, nhiều khả năng lần này dịch bùng phát nhanh là do biến thể nCoV Anh. Hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm dịch Hải Dương và Quảng Ninh.
6 ngày qua, Bộ Y tế ghi nhận 304 ca nhiễm cộng đồng, ở 10 tỉnh thành gồm Hải Dương (224), Quảng Ninh (38), Hà Nội (20), Gia Lai (13), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), Bình Dương (2), TP HCM, Hải Phòng, Bắc Giang mỗi nơi một ca.