Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: "Phương án 2 là liều thuốc bổ nhưng cũng là thang thuốc đắng". |
Cho đến thời điểm này, với những thông tin có được, thì mặc dầu có ý kiến phản đối, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn quyết định bỏ quota xuất khẩu dệt may cho các thành viên của tổ chức này từ ngày 1/1/2005.
Khi điều đó xảy ra, bản đồ xuất nhập khẩu hàng dệt may thế giới sẽ có sự thay đổi mạnh và luồng thương mại dệt may sẽ có xáo động lớn. Không phải đến bây giờ người ta mới nhận thức được điều này, nhiều dự báo đã được đưa ra từ rất sớm.
Tháng 5 năm 2003, một hội nghị theo sáng kiến của Cao ủy Thương mại EU Pascal Lamy để bàn về tương lai của ngành dệt may sau năm 2004 - năm cuối cùng áp dụng chế độ quota đối với 147 nước thành viên WTO - được tổ chức tại Brussels. Phát biểu tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đều bày tỏ lo lắng trước sức cạnh tranh của hàng dệt may của một số nước và cho rằng sẽ xảy ra tình trạng hàng loạt doanh nghiệp dệt may ở những nước mà khả năng cạnh tranh yếu kém sẽ bị phá sản. Thậm chí có đại biểu nói thẳng tại hội nghị rằng "họ sẽ tiêu diệt chúng ta" (đại biểu này nêu cụ thể tên nước). Có những dự báo rất bi quan rằng hàng chục triệu người ở các nước có nền công nghiệp dệt may kém phát triển sẽ bị mất việc làm.
Ý thức được tình hình đó, từ năm 2003 đến nay, nhiều hội thảo quốc tế về dệt may đã được tổ chức để bàn về giải pháp cho ngành dệt may toàn cầu. Có ý kiến đề xuất nên tiếp tục duy trì chế độ quota thêm một số năm nữa. Mặc dầu vậy, các nước đều có sự chuẩn bị của riêng mình. Những nước mà khả năng cạnh tranh cao thì xây dựng chiến lược xuất khẩu để chiếm lĩnh thị trường. Những nước sức cạnh tranh yếu thì lo đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, cắt giảm chi phí để có thể tồn tại và đứng vững trước thách thức này.
Ở Việt Nam, trong năm 2003, Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp phối hợp với Hiệp hội dệt may Việt Nam đã tổ chức Hội nghị ngành dệt may với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng mức xuất khẩu vào thị trường phi quota và các mặt hàng phi quota" để chuẩn bị đối phó với thách thức trong năm 2005. Và, để hỗ trợ cho quá trình này, chính Bộ trưởng Bộ Thương mại đã đề ra ý tưởng tổ chức các chợ, trung tâm nguyên, phụ liệu cho ngành dệt may. Ý tưởng này đã được Hiệp hội và các doanh nghiệp dệt may hoan nghênh.
Thực tế, dù đã có những cố gắng và tiến bộ nhất định, sự phát triển ngành công nghiệp dệt may nước ta vẫn chưa được như mong muốn. Sức cạnh tranh của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam chưa có bước cải thiện đáng kể. 80% nguyên, phụ liệu vẫn phải nhập khẩu, phần lớn các doanh nghiệp chưa có thương hiệu của mình, phương thức xuất khẩu chủ yếu vẫn là gia công, chi phí giao dịch của từng doanh nghiệp và của toàn ngành còn lớn. Điều đó đang hạn chế sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp cũng như của toàn ngành nói chung.
Có thể nói rằng ngay cả khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, ngành dệt may Việt Nam, cũng như nhiều nước khác, vẫn chịu sức ép rất lớn trước sức cạnh tranh của hàng dệt may Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan.... Trong khi đó, dù đang đàm phán khẩn trương, chúng ta vẫn chưa thể khẳng định Việt Nam có thể gia nhập WTO vào năm 2005. Vì vậy, rất cần tính đến khả năng Việt Nam vẫn phải chịu áp đặt quota dệt may trong năm 2005.
Hệ quả của việc bỏ quota là gì? Hệ thống quota nhập khẩu trước hết là công cụ bảo hộ của các nước nhập khẩu, nhưng mặt khác hệ thống này lại là sự phân chia thị phần cho các nước xuất khẩu. Trong một mức độ nào đó, chế độ quota tạo ra sự hạn chế cạnh tranh.
Bỏ quota, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, các nước nhập khẩu sẽ được tự do lựa chọn nơi nào có ngành dệt may cạnh tranh hơn, chọn doanh nghiệp nào có khả năng cạnh tranh mạnh hơn để nhập khẩu. Có dự báo nói rằng sau khi bỏ quota, giá bán các sản phẩm dệt may sẽ giảm khoảng 20% (Chính xác đến đâu thì còn phải theo dõi, nhưng xu hướng giảm giá là điều chắc chắn. Một ví dụ cụ thể: Khi Mỹ bỏ quota cho Trung Quốc 25 Cat thì giá trung bình của các cat này giảm 48%, còn thị phần của Trung Quốc ở những cat đó tăng từ 9% năm 2001 lên 61% năm 2004). Đây là sức ép rất lớn đối với các nhà sản xuất dệt may.
Với nước ta, hệ quả còn nghiêm trọng hơn, thách thức và sức ép còn lớn hơn. Bởi lẽ, ngoài thách thức và sức ép mà doanh nghiệp các nước phải đối đầu, chúng ta còn phải chịu thêm sức ép do việc tiếp tục bị áp đặt quota. Việc xuất khẩu theo quota làm tăng chi phí giao dịch của các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu. Vì vậy, đòi hỏi phải tổ chức sản xuất và xuất khẩu sao cho có lợi nhất, sao cho có thể phát huy được tối đa sức mạnh không chỉ của một doanh nghiệp mà của cả ngành dệt may Việt Nam. Điều này liên quan đến cách thức phân bổ quota.
Với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao đối với các doanh nghiệp cũng như toàn ngành dệt may, tôi đã hai lần gửi thư đến Hiệp hội dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp, nêu ra định hướng phân phối quota vào thị trường Mỹ cho năm 2005 theo hai phương án. Trong đó, phương án 2 mới chỉ là ý tưởng chung, chưa đề cập đến cơ chế vận hành cụ thể.
Qua báo chí, tôi đã theo dõi sát ý kiến của các doanh nghiệp. Tôi không ngạc nhiên và cũng không có phản ứng tiêu cực với các ý kiến này. Trước khi gửi thư cho các doanh nghiệp, tôi hiểu rằng phương án 2 mà tôi nêu ra là một liều thuốc bổ nhưng đồng thời cũng là liều thuốc đắng. Cũng vì lẽ đó, tôi dùng hình thức gửi thư đề nghị các doanh nghiệp thảo luận kỹ và kêu gọi sự ủng hộ của doanh nghiệp cho ý tưởng nêu trong phương án 2.
Tại sao nói là "liều thuốc bổ"? Như trên đã phân tích, khi bỏ chế độ quota, bản đồ xuất khẩu dệt may sẽ thay đổi, dòng thương mại dệt may sẽ chuyển sang các thị trường có sức cạnh tranh cao hơn, đến với các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng tốt hơn về số lượng, chất lượng, giá bán, thời gian giao hàng; chi phí giao dịch khi nhập khẩu thấp hơn...... Trong điều kiện này, các doanh nghiệp nhỏ sẽ khó khăn hơn. Khái niệm " nhỏ" hay "lớn" cũng còn mang tính ước lệ. Chúng ta còn phải thảo luận nhiều về khái niệm này. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ cần phải tìm cách liên kết với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp lớn phải hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ nhằm phát huy cao nhất năng lực của toàn ngành. Việc phân quota theo chuỗi các liên kết được tính từ các doanh nghiệp trong liên kết dựa trên thành tích của họ không thể tạo ra độc quyền như một số người đã phát biểu. Phương thức này sẽ cho phép giảm chi phí giao dịch của cả doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp xuất khẩu, tận dụng được khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp trong liên kết. Điều này không chỉ cần cho năm 2005 mà cả những năm sau.
Thử hỏi, vào năm 2006, các doanh nghiệp "nhỏ" sẽ cạnh tranh thế nào với các doanh nghiệp "lớn", với các nhà sản xuất dệt may nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu. Không hình thành các chuỗi liên kết từ bây giờ, các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải tự mình "chiến đấu" không chỉ với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường xuất khẩu mà còn phải "chiến đấu" với các doanh nghiệp "lớn" trong nước.
Tại sao lại nói "cũng là thang thuốc đắng"? Thuốc đắng rất khó uống. Chỉ những người thấy được lợi ích lâu dài (không chỉ của chính mình mà của cả ngành dệt may Việt Nam) và có quyết tâm cao mới có thể vượt qua cái đắng đót ban đầu. Ở đây, việc tạo ra chuỗi liên kết đòi hỏi xây dựng cơ chế tỉ mỉ, trên tinh thần chia sẻ lợi ích hợp lý, với thái độ cộng đồng trách nhiệm vì lợi ích của chuỗi cũng như lợi ích của từng thành viên. Làm không tốt việc này sẽ giống như sắc thuốc không đúng quy trình. Chất bổ giảm đi và vị đắng tăng thêm. Nói thật lòng, các doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu về khả năng hợp tác, chừng nào chưa thấy nguy cơ bị dồn đến chân tường. Phải khắc phục yếu điểm này. Và, tôi nghĩ có thể làm được.
Theo dõi trên báo chí các ý kiến phát biểu, tôi thấy cách tiếp cận của doanh nghiệp chưa hợp lý. Trước khi lựa chọn phương án, cần phải thảo luận và trả lời câu hỏi: Liệu năm 2005, khi Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và nói chung 147 nước thành viên WTO được xuất khẩu không cần quota, cạnh tranh để xuất khẩu sẽ gay gắt hơn, giá xuất khẩu sẽ giảm, các doanh nghiệp "nhỏ" có khả năng giữ được thị trường và khách hàng Mỹ không? Một số ít doanh nghiệp nói được. Nếu đúng như vậy, thì đây là điều đáng mừng của tất cả chúng ta. Nhưng tôi e rằng, các doanh nghiệp này chỉ dựa vào thực tế xuất khẩu từ năm 2004 trở về trước mà chưa tính đến bối cảnh của năm 2005, khi mà bản đồ và dòng thương mại dệt may sẽ thay đổi, giá xuất khẩu giảm, trong khi sức ép về giá nhân công sẽ cao lên.
Đúng là buôn có bạn, bán có phường. Nhưng, phương châm ấy rốt cuộc cũng là để bảo đảm lợi nhuận lâu dài và ổn định cho nhà nhập khẩu. Nếu thấy bạn hàng mới có thể mang đến lợi nhuận lâu dài, cao hơn cho mình, họ sẽ đi tìm bạn mới, nhất là các ông bạn mới đang sẵn sàng mời gọi.
Đưa ra ý tưởng còn rất chung về phương thức phân bổ quota mới, trước hết, tôi muốn doanh nghiệp trả lời câu hỏi này đã. Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp "lớn" hãy cùng tham gia với các doanh nghiệp "nhỏ", trả lời câu hỏi đó. Chỉ khi nào trả lời tương đối chính xác mới có cơ sở lựa chọn phương án phân bổ quota hợp lý. Đây cũng là dịp các doanh nghiệp tự đánh giá lại chính mình, tự đặt mình trong môi trường mới. Làm được điều này một cách nghiêm túc, thật sự, có giải pháp rõ ràng và chương trình cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nghĩa là thư của tôi đã có hiệu quả. Còn việc lựa chọn phương án nào phải xuất phát từ lợi ích của các doanh nghiệp và của toàn ngành dệt may Việt Nam, không ai có thể áp đặt một cách tùy tiện, duy ý chí.
Vì vậy, tôi vẫn tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp thảo luận xem liệu các doanh nghiệp "nhỏ" có khả năng xuất khẩu vào thị trường Mỹ năm 2005 trở đi hay không? Nếu có, có bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp làm được điều đó. Việc chọn phương án nào sẽ tùy thuộc vào câu trả lời này. Trường hợp chọn phương án 2 thì đương nhiên không chỉ dừng lại ở ý tưởng được mà phải làm rõ cơ chế thực thi. Còn nếu chọn phương án 1 cũng phải xử lý những bất cập hiện có, phải tính đến nhu cầu đầu tư và sự phát triển lâu dài của ngành dệt may Việt Nam, và đặc biệt phải ngăn chặn tình trạng buôn bán quota như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị.
Bộ Thương mại cùng với Bộ Công nghiệp, Hiệp hội Dệt may sẽ hết sức cầu thị khi lựa chọn và quyết định.
Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển
Bạn đọc có thể tham gia ý kiến về vấn đề này tại đây: