Làm hàng xuất khẩu tại Hanosimex. Ảnh: Anh Tuấn |
Phương án thứ nhất được nêu ra là giữ nguyên cách phân phối như hiện nay theo các tiêu chí hạn ngạch thành tích và có một tỷ lệ hỗ trợ phát triển, đồng thời có sự điều chỉnh cần thiết các hệ số. Theo ông Tuyển, cách phân này sẽ tiếp tục tạo ra sự phân tán trong việc giao quota dẫn đến các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ chuyển sang những thị trường phi quota như: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... "Kết quả là hầu hết doanh nghiệp không có khả năng tìm được khách hàng nhập khẩu, không có lợi cho ngành dệt may Việt Nam cũng như cho mỗi doanh nghiệp", ông nhấn mạnh.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Tuyển đề nghị các doanh nghiệp ủng hộ phương án 2, tập trung phân quota cho những đơn vị có khả năng xuất khẩu vào các doanh nghiệp nhập khẩu lớn, các nhà phân phối của Mỹ. Đi đôi với phương án này, sẽ thiết lập nên mối quan hệ sản xuất giữa các doanh nghiệp với nhau trong vùng thông qua hợp đồng liên kết. Mỗi vùng sẽ có một số doanh nghiệp làm trung tâm, những doanh nghiệp khác làm vệ tinh sản xuất cho doanh nghiệp trung tâm và các bên cùng chia sẻ lợi ích.
"Với cách này, nhiều doanh nghiệp có thể không được phân quota, quota sẽ được phân cho các doanh nghiệp có quan hệ với những nhà nhập khẩu lớn, các nhà phân phối lớn của Mỹ. Nhưng với sự liên kết giữa các doanh nghiệp, ta có thể xuất khẩu vào thị trường Mỹ và vẫn đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Vì lợi ích chung của toàn ngành dệt may Việt Nam và của đất nước, tôi đề nghị Hiệp hội Dệt may tổ chức để các doanh nghiệp thảo luận kỹ tình thế của ngành trong năm 2002, ủng hộ việc lựa chọn phương án 2 và bàn cách thực hiện", ông Tuyển phân tích.
Trao đổi với VnExpress về lá thư của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, các doanh nghiệp đều đánh giá cao chủ trương của Bộ Thương mại trong việc tìm cách thu hút được nhiều đơn hàng cho ngành dệt may trong nước. Tuy nhiên, đa số đều cho rằng, Bộ nên giữ nguyên cách tính như hiện nay nhằm tạo sự công bằng và ổn định cho doanh nghiệp.
"Chỉ còn 1 năm mà thôi, sang năm 2006, có thể sẽ không còn hạn ngạch. Vì vậy không nhất thiết phải thay đổi quy chế", Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may thêu đan TP HCM (Agtek) Diệp Thành Kiệt chia sẻ quan điểm. Theo ông Kiệt, hầu hết doanh nghiệp hiện nay đều đã có thâm niên làm hàng sang Mỹ, vì vậy nên dành ít nhất 90% lượng hạn ngạch phân bổ theo thành tích. Riêng với các Cat nguội, nên phân toàn bộ.
Đại diện cho khối doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ khu vực phía Nam, Agtek, cũng chỉ ra những điểm không khả thi và tiềm ẩn nhiều hậu quả xấu trong phương án mà Bộ trưởng Tuyển gợi ý. Trong đó có nguy cơ dẫn tới việc hàng loạt doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ sẽ bị mất đơn hàng trực tiếp, kéo theo tình trạng phá sản trên qui mô lớn. Theo Agtek, các doanh nghiệp này đã cố gắng xây dựng và duy trì quan hệ với khách hàng. Việc đột ngột cắt bỏ hạn ngạch sẽ làm cho doanh nghiệp trở tay không kịp và các khách hàng cũ sẽ rút đi hết, kể cả những đơn hàng phi hạn ngạch. Agtek cho biết, hiện các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ đang đóng góp ít nhất 40% năng lực sản xuất toàn ngành và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.
Một điều khiến Agtek lo ngại nếu tiến hành phân bổ quota theo phương án 2 chính là sự phát sinh kiểu độc quyền mới. Theo ông Diệp Thành Kiệt, nếu chỉ phân bổ quota cho doanh nghiệp ký kết hợp đồng với khách hàng lớn, sau đó những doanh nghiệp này lại liên kết với đối tác khác để cùng thực hiện hợp đồng, sẽ dễ khiến các doanh nghiệp nhỏ lệ thuộc vào doanh nghiệp lớn. Và rồi, "cá lớn" sẽ chèn ép "cá bé", tạo ra một dạng độc quyền mới.
Các "đại gia" trong ngành và thường bị mang tiếng là "con cưng" của Nhà nước cũng không hoàn toàn đồng tình với phương án 2. Tổng giám đốc Công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex) Nguyễn Khánh Sơn cho rằng duy trì cách phân bổ hiện nay là tốt nhất. "Về lý thuyết, cách phân bổ thứ 2 rất tuyệt. Nhưng có nhiều thông tin cho thấy các nhà nhập khẩu Mỹ đang có xu hướng chuyển sang làm ăn tại thị trường Trung Quốc. Hiện tại và quá khứ thì họ đang làm ăn tốt với mình nhưng khi nói về tương lai, họ vẫn chưa dứt khoát", ông Sơn lo ngại. Ông cho biết lâu nay, Hanosimex cũng quan hệ rất tốt với một vài đối tác lớn, nhưng vừa rồi, khi đề cập tới kế hoạch hợp tác cho năm sau, họ trả lời không rõ ràng lắm.
May 10 là một trong số ít những công ty lớn của Nhà nước và sẽ không thiệt thòi gì nếu Bộ Thương mại phân quota theo phương án 2. Tuy nhiên, Trưởng phòng Kế hoạch công ty, ông Hoàng Minh Khang, cũng thiên về phương án 1. Ông đề xuất, nên phân bổ quota theo thành tích, trong đó ưu tiên cho những đơn vị có chuyên môn hoá cao. Còn phần hạn ngạch tăng trưởng 7%/năm sẽ dành để phân cho các đối tượng doanh nghiệp khác…
"Nếu nói rằng phân bổ theo cách hiện nay sẽ bị phân tán thì ai đảm bảo rằng phân theo phương án 2 sẽ không bị phân tán. Bởi có một thực tế là chẳng mấy khi các doanh nghiệp trong nước ký được hợp đồng trực tiếp với các nhà nhập khẩu lớn như JC Penney hay GAT", ông Khang phân tích. Ông cho biết lâu nay, May 10 thường làm hàng cho GAT, nhưng hợp đồng được ký thường thông qua các đối tác ở Hong Kong, Singapore hay thậm chí Sri Lanka.
Ông Khang cho rằng, nếu tập trung phân quota cho các doanh nghiệp lớn (không kèm theo điều kiện là ký được hợp đồng với khách hàng lớn), thì rất ổn với những doanh nghiệp lớn. Nhưng ở Việt Nam, lượng doanh nghiệp lớn rất ít, trong khi lại có vô số doanh nghiệp nhỏ và vì vậy sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ bất bình vì phương án 2 có thể tạo sự độc quyền.
Trong tuần tới, Bộ Thương mại sẽ phối hợp cùng Bộ Công nghiệp và Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức hội thảo tại 3 miền để góp ý cho quy chế phân bổ năm sau. Ông Tuyển cho biết Bộ Thương mại đang nỗ lực để có thể thương lượng với EU bãi bỏ hạn ngạch cho Việt Nam từ năm tới. Riêng với Mỹ, chừng nào Việt Nam chưa là thành viên WTO thì khả năng đó rất khó thực hiện. Vì vậy, việc xây dựng quy chế hiệu quả cho năm sau là rất cần thiết. Năm nay, do được chuẩn bị từ đầu năm, liên bộ đang phấn đấu ban hành sớm quy chế ngay từ tháng 7 để doanh nghiệp chủ động tìm bạn hàng và ký kết hợp đồng.
Song Linh