Chiều 16/11, Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đại biểu Quách Thế Tản - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Hòa Bình, cho rằng việc Chính phủ trình hai dự án Luật, gồm Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Trong đó, ngành công an có nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bao gồm quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; còn ngành giao thông vận tải quản lý về kết cấu hạ tầng giao thông.
"Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thuộc trách nhiệm Bộ Công an là hợp lý", ông Tản nói và cho rằng dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ làm rõ được ba vấn đề là bổ sung quy tắc giao thông, xây dựng chính sách thực thi pháp luật và xử lý các vi phạm.
Cơ bản đồng tình với việc tách Luật Giao thông Đường bộ hiện hành thành hai dự án Luật nêu trên, nhưng đại biểu Trần Văn Tiến - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, băn khoăn "tách như vậy có làm phát sinh tổ chức bộ máy và biên chế hay không? Sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và phương tiện máy móc, trang thiết bị phục vụ chuyên môn như thế nào, nhất là bộ phận sát hạch cấp phép lái xe?".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, ở mỗi quốc gia, khi xây dựng luật giao thông đường bộ thì mục đích cao nhất là để bảo đảm an toàn giao thông. "Nếu luật hiện hành chưa tốt thì cần sửa đổi, hoàn thiện chứ không phải là tách ra thành một luật riêng", ông nói.
Ông Nguyễn Quốc Hận - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, đánh giá, thực tiễn công tác quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe đang được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện tốt, thuận tiện, nhiều người dân ủng hộ, quốc tế công nhận. Việt Nam đã gia nhập công ước Vienna và giấp phép lái xe có giá trị sử dụng ở 85 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên công ước này.
"Ai dám bảo đảm và chịu trách nhiệm cá nhân khi chuyển nhiệm vụ này sang Bộ Công an thì không có giấy phép lái xe giả, tai nạn giao thông giảm. Trong khi giấy tờ của ngành công an cấp cũng có trường hợp giả như hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân", ông Hận nói.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận, hiện nay trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, tội phạm ma túy, trộm cắp, băng nhóm số đề... vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội, chưa được kiềm chế một cách hiệu quả, do vậy lực lượng công an theo chức năng nhiệm vụ của mình giải quyết tốt các vấn đề nêu trên, "không cần nhận thêm nhiệm vụ khác".
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện, đề nghị nếu tách hai luật thì ngành công an chuyển cảnh sát giao thông về Bộ Giao thông Vận tải và giữ nguyên quyền lợi, chế độ. "Thậm chí cần tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông cùng với thanh tra giao thông để xử lý những vấn đề có liên quan đến vi phạm pháp luật", ông Nhưỡng nói.
Trước ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm nói "thảo luận hôm nay có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, rất đáng trân trọng. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, giải trình nghiêm túc, thấu đáo và chỉnh sửa".
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Chính phủ đã được Uỷ ban Thường vụ, các cơ quan của Quốc hội đồng ý đề xuất xây dựng dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trên thực tế, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, việc xây dựng luật ngày càng đi vào những lĩnh vực cụ thể, quy định chi tiết. Nhiều luật từ ban đầu chỉ một, sau đó phát triển lên như Luật Đầu tư, bây giờ có Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Hoặc Luật Tố cáo, khiếu nại trước đây thì bây giờ có Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại...
Theo ông, nếu Quốc hội đồng ý ban hành luật này và giao trách nhiệm cho Bộ Công an thì sẽ không tăng biên chế, không tăng chi phí, thủ tục hành chính và không lãng phí; tất cả thủ tục vẫn theo các quy định từ trước đến nay đã có.
"Đây không phải là việc tách luật, chia luật hoặc chia quyền, chúng tôi không có ý đó", ông Tô Lâm nói.
Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật Bảo đảm trật tự, giao thông đường bộ nhận được nhiều ý kiến cử tri, đề nghị phổ cập luật này trong toàn xã hội, từ các cháu bé đến cụ già. Những người tham gia giao thông phải học, thi sát hạch, thực hiện nghiêm túc các điều luật. Vì vậy, có ý kiến đề nghị dự luật phải dễ hiểu, dễ nhớ, ngắn gọn. "Nếu vấn đề trật tự, an toàn giao thông được để chung với các luật khác như luật về giao thông đường bộ, xây dựng hạ tầng... thì quá dài", ông Tô Lâm nói.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, khi đồng ý bổ sung dự án luật vào chương trình kỳ họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, "việc Chính phủ tách nội dung Luật Giao thông đường bộ thành hai luật riêng biệt cần phải cân nhắc thật kỹ, xin ý kiến quốc hội tại kỳ họp thứ 10". Do đó vấn đề này Quốc hội sẽ quyết định.
Về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Phó chủ tịch Quốc hội nêu rõ bản chất là xác định bộ nào sẽ quản lý nội dung này. "Đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, được nhiều đại biểu phát biểu cả phiên sáng và chiều nay. Việc phân công Bộ nào quản lý phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đánh giá khách quan, tổng thể, kỹ lưỡng trên cơ sở thông tin, số liệu cụ thể", ông Đỗ Bá Tỵ nói.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, chi phí, cần nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, xu hướng xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin.
Sau phiên thảo luận hôm nay, Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp, xin ý kiến đại biểu về các vấn đề lớn của cả hai dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.