Chiều 6/4, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Tài chính về nhiệm vụ Thủ tướng giao.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) lo lắng trước tình trạng tham nhũng vặt trong ngành hải quan đang làm khó doanh nghiệp. "Doanh nghiệp lần nào gặp chúng tôi cũng đều than về tham nhũng vặt, chi phí không chính thức này. Mức phí mỗi lần phải chi cho cán bộ hải quan không nhiều nhưng khâu nào cũng phải có và tổng hợp lại là con số lớn", bà Thảo nêu thực tế.
Cũng liên quan tới đạo đức cán bộ hải quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, hải quan phải quản lý cán bộ chặt chẽ hơn, hạn chế tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, văn hoá ứng xử. "Hải quan phải tiến tới điện tử hoá, kiểm tra hàng hoá trên hệ thống hiện đại thay vì 'tay sờ tay cầm'; thái độ ứng xử của cán bộ hải quan cũng cần thay đổi niềm nở hơn, hoà nhã hơn", Bộ trưởng Dũng nói.
Hiện tượng sách nhiễu trong ngành hải quan cũng được lãnh đạo Bộ Tài chính xác nhận. "Đúng là có hiện tượng 'ăn vặt' trong lĩnh vực hải quan, nhưng chúng tôi quyết tâm sửa, cải cách lớn", Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.
Còn theo ông Hoàng Việt Cường - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ngành đã cải cách mạnh mẽ nhưng vẫn còn "những con sâu làm rầu nồi canh".
"Không phải một, hai con sâu mà cũng có một nhóm anh em không chịu tu dưỡng đạo đức", ông Cường thừa nhận, đồng thời cho rằng cải cách hành chính mạnh mẽ trong ngành tới đây, như trang bị hệ thống máy soi hiện đại thay vì kiểm tra thủ công, áp dụng chế độ giám sát đặc biệt trong thông quan hàng không… sẽ giảm thiểu hiện tượng này.
Ngoài ra, hải quan tới đây sẽ tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, kiểm tra công vụ, nội vụ. Năm 2018 lần đầu tiên ngành này sẽ thực hiện đề án rà soát từng vị trí việc làm, đánh giá cán bộ công chức nhằm luân chuyển cán bộ không phù hợp. "Lâu nay hải quan vẫn cải cách bên ngoài, tới đây sẽ cải cách nội bộ ngành", lãnh đạo Tổng cục Hải quan hứa.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ Tài chính cần tiếp tục tinh gọn bộ máy cán bộ. "Số lượng cán bộ biên chế trong các cơ quan, cục, tổng cục ngành Tài chính rất nhiều, nhưng cố gắng cải cách thêm theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, mang tính chuyên nghiệp", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Đề cập tới quản lý tài sản công, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, vừa qua Bộ Tài chính đã đi đầu trong thí điểm quản lý xe công nhưng với vai là cơ quan quản lý toàn bộ tài sản công, tài sản quốc gia, Bộ cũng cần xây dựng cơ chế, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội quy chế sử dụng, khoán xe công. Với những doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng "trốn" niêm yết trên sàn chứng khoán, cần có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn.
Giải trình, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định "quyết tâm cải cách, đổi mới" của ngành tài chính và những kết quả vừa qua chỉ là bước đầu. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định vừa rồi đã "có cố gắng lớn trong liên kết với các bộ, ngành khác".
"Trong điều kiện thấy làm được gì, cải cách gì chúng tôi mới cam kết và quyết tâm làm tới cùng", ông nói, song cho rằng, việc cắt giảm thủ tục thuế mới chỉ là bước đầu, chấn chỉnh lại hệ thống thủ tục thuế cần thêm thời gian, gắn với sắp xếp lại bộ máy.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong số 1.567 nhiệm vụ được Thủ tướng giao cơ quan này đã hoàn thành 1.340. Trong số 227 nhiệm vụ chưa hoàn thành có 213 trong hạn, và quá hạn 14 nhiệm vụ. Phần lớn nhiệm vụ chưa hoàn thành liên quan đến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nợ công, hoá đơn… Về cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính hứa cắt giảm 188 thủ tục, tương đương 50,8%. Nhận xét những cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh vừa qua của Bộ Tài chính "rất thực chất, không lập lờ", nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, cắt giảm những thủ tục đang là cản trở gia nhập thị trường, thủ tục phiền hà không cần thiết chứ không có nghĩa mở tung cửa |
Nguyễn Hoài