Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Hải quan sửa đổi tổ chức ở Hà Nội hôm qua, đại diện nhiều doanh nghiệp đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan và trưởng đoàn kiểm tra hải quan khi tới làm việc với doanh nghiệp.
"Dự thảo Luật hiện nay chỉ thể hiện quyền của cơ quan quản lý nhà nước, chưa thể hiện được trách nhiệm đối với doanh nghiệp bị kiểm tra", bà Đặng Thị Bình An - Chủ tịch Công ty TNHH tư vấn thuế C&A cho biết.
Doanh nghiệp vẫn than phiền về thủ tục hải quan. Ảnh: Nhật Minh |
Theo bà An, thực tế hiện nay nhiều cán bộ hải quan tới kiểm tra ở doanh nghiệp thì nói không có vấn đề gì, nhưng về sau lại đưa ra kết luận khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. "Điều này như đánh úp doanh nghiệp và không tôn trọng doanh nghiệp", bà bức xúc.
Nhiều ý kiến tham gia hội thảo cũng cho rằng Luật phải có chế tài xử lý nghiêm với những công chức hải quan gây thiệt hại cho ngành, như làm thủ tục kéo dài, cho hàng hóa không đảm bảo chất lượng thông quan... Đồng thời, cần quy định chuẩn mực đạo đức cho cán bộ hải quan.
"Điều này rất quan trọng vì thời gian qua một số cán bộ hải quan đã gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của ngành", ông Lê Quốc Đạt - Giám đốc công ty TNHH Luật Trí Tuệ nói.
Dự thảo Luật quy định thời gian kiểm tra sau thông quan 10 năm, gấp đôi mức quy định của Luật Hải quan năm 2011 và được cho là quá dài, có thể thành gánh nặng với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thâm - Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Tiên Phong, cho rằng yêu cầu doanh nghiệp phải lưu giữ chứng từ hải quan trong 10 năm là quá "nặng nề".
"Luật Hải quan sửa đổi cần rút ngắn thời gian lưu hồ sơ hải quan bởi doanh nghiệp sẽ cảm thấy một án treo lơ lửng trên đầu và không biết khi nào hải quan sẽ yêu cầu chứng từ để kiểm tra", vị này phát biểu.
Luật sư Đào Ngọc Chuyền nhận định, trường hợp kiểm tra sau thông quan phát hiện sai sót dẫn đến phải truy thu thuế lớn có thể làm doanh nghiệp phá sản. Bởi khi hàng hóa nhập về đã bán hết và bị truy thu thì doanh nghiệp chỉ có cách lấy vốn ra để nộp. Ngoài ra, quy định này cũng khiến công chức hải quan có điều kiện thông đồng với doanh nghiệp làm giảm số thuế phải nộp khi làm thủ tục thông quan. Bởi vậy, cần rút ngắn thời hạn kiểm tra sau thông quan lại.
Với một số hàng hóa đặc thù, việc yêu cầu phải giữ được chứng từ 10 năm là "khó đáp ứng nổi". Chẳng hạn, với những lô hàng tạm nhập tái xuất khi đã giải quyết thủ tục thực xuất và được hải quan kiểm tra, doanh nghiệp không còn giữ chứng từ. Ngoài ra, công trình đầu tư vốn nghìn tỷ thì chỉ cần mất 3 đến 5 năm để thể vận hành, nếu yêu cầu lưu hồ sơ tới 10 năm thì sẽ rất khó, ông Vũ Chu Hiền, thành viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu.
Tiếp thu ý kiến này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định thời gian lưu hồ sơ hải quan theo hướng chia ra từng bậc tương ứng với ngành nghề cụ thể. Những dự án nhập khẩu thiết bị xây dựng cơ sở hạ tầng thì sẽ quy định thời gian lưu hồ sơ là 10 năm, còn với những dự án sản xuất là 5 năm và dự án thương mại thì chỉ 3 năm, Thứ trưởng nói.
Theo ông Joakim Parker - Đại diện cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID), hải quan đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam. Nhưng báo cáo của Ngân hàng Thế giới mới đây cho thấy, Việt Nam vẫn đứng thứ 74 về tạo điều kiện cho kinh doanh, cho thấy hải quan điện tử chưa phát huy hiệu quả.
"Hiện nay thời gian thông quan một lô hàng tại Việt Nam vẫn còn tốn kém nhiều, trong khi đó nếu thủ tục này giảm được 1 ngày thì có thể đóng góp 0,5 - 1% tăng trưởng, nên việc cải cách thủ tục này rất đáng làm", ông Parker nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng thừa nhận cải cách thủ tục hải quan hiện là vấn đề cấp thiết. "Hiện có 8 luật liên quan đến kiểm tra chất lượng hàng hóa, kèm theo đó là 11 văn bản hướng dẫn. Thời gian vận chuyển hàng là 7 ngày thì thời gian lấy giấy phép cũng mất tới 7 ngày", ông nói.
Do vậy, Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2020, Hải quan Việt nam phải giảm được chi phí và thời gian thông quan, trở thành một trong ba nước dẫn đầu Đông Nam Á có chi phí hải quan thấp.
Huyền Thư