Nêu con số gần 25.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động tính đến 30/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng xem điều này "đã tác động trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu tài chính - ngân sách Nhà nước, đặc biệt là nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2013".
Được hỏi về những kết quả cụ thể của việc thực hiện các chính sách tài chính góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng Dũng cho hay ngành tài chính đã xử lý gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng cho khoảng 150.000 lượt doanh nghiệp với số tiền khoảng 5.380 tỷ đồng, cũng như giúp hơn 105.000 đối tượng nộp thuế với 4.428 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và hơn 45.000 đối tượng nộp thuế với 952 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp được kéo dài thời gian sử dụng nguồn vốn này.
Ông cũng nhấn mạnh, với chính sách thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân mới được sửa đổi, bổ sung, ngành tài chính dự kiến sẽ giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2013 và 2014 hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Số tiền này "sẽ góp phần tạo thêm nguồn vốn cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh".
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý vai trò quan trọng của công tác chống thất thu ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, để thực hiện công tác này, Bộ Tài chính đã "tăng cường thực thi pháp luật về thuế, đẩy mạnh chống thất thu, nợ đọng thuế và chống chuyển giá; thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu ngân sách Nhà nước".
Được đề nghị đánh giá về khả năng hoàn thành nhiệm vụ điều hành tài chính - ngân sách Nhà nước trong năm nay của Bộ Tài chính, Bộ trưởng chỉ nói tổng quát rằng đây là "nhiệm vụ rất lớn và khó khăn" trong những tháng còn lại của năm.
Song, ông cũng cho biết Bộ Tài chính đã yêu cầu không ban hành các cơ chế, chính sách có tác động làm tăng chi ngân sách Nhà nước khi không có nguồn bảo đảm; quản lý chặt chẽ và chỉ phân bổ sử dụng nguồn dự phòng ngân sách đối với những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, bất khả kháng.
Đối với chi đầu tư phát triển, Bộ Tài chính cũng yêu cầu thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, rà soát từng dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.
Theo Vneconomy