-
11h00
Gói phục hồi kinh tế giải ngân có thể tác động đến lạm phát
Tham gia giải trình cùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lại cung cấp thông tin cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, đặc biệt nhập khẩu trên GDP chiếm 100%. Có nghĩa là, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, nên chịu áp lực lạm phát.
Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành, trong đó có chính sách tiền tệ, tài khóa cần kết hợp chặt chẽ. Những tháng đầu năm 2022, Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát với 2,25%. Qua phân tích, mức tăng này liên quan đến giá hàng hóa thế giới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Hoàng Phong
Còn với góc độ điều hành, các gói trong chương trình phục hồi kinh tế chưa giải ngân. Thời gian tới, khi các gói này đưa ra cũng sẽ tác động đến lạm phát.
Từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ phải thực hiện theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô và các gói giải ngân để đưa ra giải pháp thực tiễn. Bởi chính sách tiền tệ là chính sách ngắn hạn.
Theo bà, trong kiểm soát lạm phát, điều quan trọng là phải phối hợp giữa chính sách tiền tệ tài khóa và chính sách kiểm soát giá. Hiện nay, thông qua Ban chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành phân tích nguyên nhân lạm phát để đưa ra giải pháp phù hợp.
-
10h50
Nợ đến hạn năm nay của trái phiếu doanh nghiệp có thể lớn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, việc so sánh quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam với các nước là khập khễnh, bởi họ có lịch sử lâu đời còn chúng ta mới sơ khai.
Nhưng năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng rất đột biến. Năm 2020, quy mô thị trường này chỉ có hơn 4% GDP, năm 2021 đã tăng lên 15% GDP; trong khi mục tiêu đến 2025 là chỉ có 25%. Vì vậy, ông đề nghị cần rà soát những bất cập của chính sách pháp luật và kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra.
Nợ đến hạn của một số trái chủ năm nay có thể rất lớn và ông Huệ đề nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo thêm với Quốc hội.
Các cơ quan đều nói là không có động thái siết thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp nhưng thực tế vài tháng đầu năm, ông Huệ nói, hầu như không có phát hành.
Theo phản ánh của đại biểu, vụ Tân Hoàng Minh bị xử lý như vậy, nhưng hiện nay còn tình trạng công ty đi mời chào nhà đầu tư tư nhân để phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
-
10h50
Cập nhật tiến độ thực hiện gói phục hồi kinh tế
Trả lời đại biểu Quốc hội về việc tham mưu thực hiện Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành, Bộ trưởng Tài chính cho biết chính sách có tổng số tiền 347.000 tỷ đồng. Liên quan chính sách tài khóa, có khoảng 291.000 tỷ đồng, trong đó liên quan thu ngân sách có giãn, hoãn, miễn, giảm thuế VAT 10% xuống 8%.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 15 về miễn giảm thuế, giảm 64.000 tỷ đồng. Được Thường vụ Quốc hội đồng ý, Bộ đã giảm thuế trong xăng dầu 2.000 đồng, tổng giảm khoảng 24.000 tỷ nữa. Như vậy riêng vấn đề giảm thuế đã tăng hơn so với dự kiến trong Nghị quyết 43, tổng số giảm 88.000 tỷ đồng. Ngoài ra, 135.000 tỷ đồng nữa được giãn đến 31/2/2022.
Bộ đã ban hành nghị định hướng dẫn sử dụng kinh phí (Nghị định 31) hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng, lãi suất 2% cho các doanh nghiệp thông qua việc vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Đến nay còn một hướng dẫn đang làm với Bộ Khoa học Công nghệ là hướng dẫn sử dụng trong quỹ Viễn thông công ích.
-
10h45
Áp lực lạm phát ở Việt Nam ít hơn
Đại biểu Hoàng Văn Cường chất vấn, lạm phát trên thế giới đang tăng rất nhanh, trong khi Việt Nam nhập khẩu hàng hóa, vật tư đầu vào rất lớn. "Nhập khẩu hàng hóa cũng là nhập khẩu lạm phát. Thêm vào đó, Việt Nam đang giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, nghĩa là tăng thêm tiền vào nền kinh tế, thêm áp lực lạm phát", ông nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Phớc đáp, lạm phát đang là vấn đề hết sức nóng và cần tập trung chống lạm phát để đảm bảo phát triển và an sinh xã hội.
Hiện trên thế giới lạm phát đã là 8,3%, châu Âu 8%, Singapore 5,4%... Còn Việt Nam là 2,25%. Nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng với thế giới, nguồn nguyên vật liệu chưa sản xuất được, phụ thuộc nước ngoài. Giá nguyên vật liệu nước ngoài tăng đương nhiên kéo theo giá nguyên vật liệu trong nước cũng sẽ đi lên, kéo theo lạm phát, như xăng dầu, thép, phân bón...
Nhưng theo ông Phớc, Việt Nam tự chủ được lương thực thực phẩm vốn chiếm 40% rổ hàng hóa, nên áp lực lạm phát ít hơn. "Đây cũng là thời điểm vàng để chúng ta bứt phá phát triển. Nếu ta tận dụng được cơ hội này chắc chắn sẽ bật lên. Các nước lạm phát cao nhưng Việt Nam có độ trễ và tự chủ được tiêu dùng trong nước", ông Phớc nói.
-
10h35
Tặng một xe cứu thương cho TP HCM phải nộp thuế 600 triệu
Đại biểu Tô Thị Bích Châu trao đổi về việc đóng thuế với xe tặng cho, nhất là xe sang hay dùng cho tiêu dùng. Bà cho rằng Bộ trưởng trả lời chưa đầy đủ. Theo bà Châu, vừa qua trong đại dịch, TP HCM nhận nhiều xe cấp cứu nhập từ nước ngoài. Lúc đó thành phố có xin các bộ ngành về việc miễn giảm thuế đối với xe cấp cứu, tuy nhiên không được đồng ý.
"Một số doanh nghiệp khi chắt chiu kinh phí để hỗ trợ cho chống dịch, nhất là xe cấp xứu, đáng lẽ phải được miễn giảm thuế", bà Châu nói. Bà kể, có doanh nghiệp tặng một xe cấp cứu cho bệnh viện với giá khoảng gần 5 tỷ đồng, xin miễn thuế nhưng không được nên doanh nghiệp phải đóng thêm hơn 600 triệu đồng để nhập về tặng cho bệnh viện.
Vì vậy, bà đề nghị thời gian tới, trong trường hợp khẩn cấp, trang thiết bị phục vụ chống dịch thì Bộ Tài chính cần đưa vào danh mục được miễn giảm thuế, tương tự như vaccine, thuốc chữa bệnh khi phòng chống dịch.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Tài chính cho hay, một số khoản thuế không được miễn giảm mà phải thu đầy đủ theo quy định hiện hành. Dù vậy ông Phớc thừa nhận quy định chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là khi phòng chống dịch. Ông tiếp thu ý kiến đại biểu đề nghị sửa luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng những vấn đề khác luật, chưa quy định trong luật thì Nghị quyết 30 của Quốc hội đã giao Thường vụ Quốc hội ban hành để phòng chống dịch. Nếu có kiến nghị đề xuất, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét chứ không máy móc.
"Tình huống đặc biệt thì có thể có quy định khác với quy định pháp luật hoặc chưa được quy định trong luật", ông Huệ nói, cho biết lĩnh vực y tế nghị quyết 12 của Thường vụ Quốc hội đã giải quyết hơn 10 loại chính sách khác luật hoặc chưa có quy định trong luật theo ủy quyền của Quốc hội tại Nghị quyết 30.
-
10h30
Công cụ nào kiểm soát bong bóng chứng khoán
Đại biểu Trần Văn Lâm, Uỷ ban Tài chính Ngân sách, đại biểu tỉnh Bắc Giang đặt vấn đề về bong bóng trên thị trường chứng khoán, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn nền kinh tế. "Bộ Tài chính có công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện bong bóng trên chứng khoán và giải pháp ổn định thị trường này thời gian tới?", ông hỏi.
Ông cho biết, bộ này áp dụng công nghệ, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) theo dõi quá trình lên xuống đột ngột của cổ phiếu; thiết lập kênh (sàn) riêng để theo dõi. Cùng giải pháp hoàn thiện Nghị định 153, và tới đây là Luật Chứng khoán, trong đó quy định rõ điều kiện phát hành trái phiếu và tăng kiểm tra, thanh tra để phát hiện giao dịch, dòng tiền bất thường để xử lý.
Qua kiểm tra, thanh tra, Bộ Tài chính đã phát hiện vi phạm trên thị trường chứng khoán và lợi dụng thị trường này để rửa tiền. Hiện Bộ Tài chính đã chuyển cơ quan điều tra một số vụ việc để điều tra, xử lý.
-
10h20
Đại biểu không đồng tình việc can thiệp giá xăng dầu
Đại biểu Nguyễn Văn Thân chưa đồng ý với Bộ trưởng về giá xăng dầu. Ông nói, kinh tế Việt Nam là thị trường xã hội chủ nghĩa nên can thiệp vào giá xăng dầu quá nhiều, không vận hành phù hợp với giá thị trường.
"Hãy để giá đó tự nhiên theo hướng tăng giảm của thế giới vì Việt Nam có nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nội địa và đầu tư nước ngoài. Nếu giảm thì ảnh hưởng đến xuất khẩu khác, nên chỉ can thiệp đúng mức chứ không cố gắng để giá rẻ nhất với các nước xung quanh", ông Thân nói.
Bộ trưởng Tài chính cho hay xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá do Nhà nước giữ vai trò bình ổn. Đến một lúc nào đó Nhà nước phải can thiệp để giảm giá xăng dầu. Việc này có lợi ích giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy việc tăng trưởng và sức cạnh tranh, giải quyết được lao động, từ đó có tích lũy cho nền kinh tế. "Chúng ta sẽ được thu thuế thông qua giá trị gia tăng của nền kinh tế, VAT và thu nhập doanh ngiệp", ông Phớc nói và lưu ý, giảm ở mức độ nào phải đánh giá tác động.
-
10h20
'Nếu Bộ Tài chính tham gia sâu định giá kit xét nghiệm đã không như vậy'
Sau khi ông Phước giải đáp ý kiến hai đại biểu trước đó về bình ổn giá sách giáo khoa, đại biểu Phạm Văn Hòa có một phút đặt câu hỏi chất vấn, nhưng ông đã dùng một phần thời gian để tranh luận với Bộ trưởng Tài chính. Ông cho rằng, không chỉ sách giáo khoa, các dịch vụ thiết yếu liên quan đến đời sống của người dân cũng cần phải định giá lại.
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Media Quốc hội
Ông dẫn chứng, nếu thời gian qua nếu Bộ Tài chính tham gia sâu thì bộ kit test sẽ không tăng giá như vậy. "Đây là vấn đề rất quan trọng. Sách giáo khoa thiết yếu rồi, còn các lĩnh vực khác cũng rất thiết yếu. Liên quan đến vấn đề thiết yếu của người dân mà lại để các bộ ngành tự định giá thì có lợi ích nhóm trong vấn đề này hay không?", ông Hòa nói.
-
10h10
Sẽ đề xuất giảm thuế với xăng dầu
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đặt vấn đề, có giảm thuế với xăng dầu hay không khi giá mặt hàng này đã lên mức kỷ lục?
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá xăng dầu hiện tăng cao nhưng so với các nước xung quanh Việt Nam, vẫn thấp hơn Lào( khoảng 10.000 đồng một lít), Thái Lan (3.000-4.000 đồng). Nhưng ông nói thêm, việc giảm thuế xăng dầu hay không thì thuộc thẩm quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm 50% thuế bảo vệ môi trường từ 1/4 đến hết năm nay, khiến ngân sách Nhà nước giảm thu 24.000 đồng. Hiện còn dư địa giảm thêm 2.000 đồng mỗi lít thuế bảo vệ môi trường. Theo quy định, Thường vụ Quốc hội chỉ có thẩm quyền giảm thêm 1.000 đồng với loại thuế này. Giảm 2.000 đồng với loại thuế này, ông Phớc nói là thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Còn thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế nhập khẩu xăng dầu (hiện là 8%), thuế VAT (10%)... thuộc thẩm quyền Quốc hội. "Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động để tham mưu Chính phủ, trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giảm thêm thuế xăng dầu", ông Phớc thông tin.
Nhưng ông lưu ý, ngoài biện pháp này, cần các giải pháp đồng bộ, nhất là siết buôn lậu xăng dầu, đảm bảo nguồn cung (trong nước, nhập khẩu). "Nếu giảm thuế để hạ giá xăng sẽ dẫn tới thẩm lậu xăng dầu, dòng tiền sẽ chảy ra nước ngoài, Lào, Campuchia, Thái Lan...", ông nhìn nhận.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bổ sung, các vấn đề về thuế thuộc thẩm quyền Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì cũng cần tham mưu, đề xuất từ bộ quản lý Nhà nước. "Cử tri cả nước đang rất chờ đợi phản ứng chính sách này, nên đề nghị Bộ Tài chính có đề xuất cụ thể để cấp có thẩm quyền quyết định", ông nói và lưu ý, trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu ngoài thuế, còn có chi phí định mức, lợi nhuận định mức...
-
9h55
'Bao giờ mới đưa sách giáo khoa vào diện bình ổn giá'
Sau giải lao, nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về giá sách giáo khoa. Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) hỏi việc kê khai giá sách giáo khoa hiện thế nào và có đưa mặt hàng vào diện bình ổn giá hay không?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc kê khai giá sách giáo khoa vẫn được doanh nghiệp thực hiện. Nhà nước chỉ thẩm định giá với những loại sản phẩm được mua bằng ngân sách, còn với mặt hàng này người mua sẽ lựa chọn chỗ tốt, rẻ nhất trên tinh thần minh bạch, công khai.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao thì băn khoăn hơn hai năm qua Ủy ban văn hóa Giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại biểu Quốc hội đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính về việc định giá SGK nhưng chưa thấy trả lời. Trước đó nhiều năm, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Bộ Tài chính quản lý khung giá sách giáo khoa và kê giá đúng theo luật định.
"Bộ có khó khăn gì khi phản hồi ý kiến của đại biểu Quốc hội không? Khi nào giá sách giáo khoa ở mức phù hợp, lợi ích hài hòa, đáp ứng được chủ trương của Đảng và Nhà nước giáo dục là quốc sách hàng đầu", bà Quỳnh Dao nói.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời, văn bản đại biểu gửi Bộ Tài chính từ 2020, nhưng cá nhân ông chưa nhận. Việc định giá SGK, ông Phớc cho rằng phải đưa vào luật giá thì mới có cơ sở để làm, nếu không thì chỉ có thể chỉ đạo trong khung giá. Các cơ quan quản lý cần vận động họ tiết giảm chi phí để giá bán hạ xuống. "Còn nếu đưa vào diện bình ổn để Nhà nước phải bù giá thì phải đưa vào luật giá", Bộ trưởng Tài chính nói
Bộ Tài chính và Giáo dục & Đào tạo đã họp bàn, thống nhất sẽ báo cáo Thủ tướng, đưa mặt hàng sách giáo khoa vào Luật Giá, nhưng được quyết định hay không thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Sau khi Bộ trưởng trả lời, đại biểu Châu Quỳnh Giao tranh luận lại. Bà chia sẻ "không hiểu vì sao" hai năm qua, Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính nhưng chưa thấy trả lời về việc đề xuất quản lý khung giá sách giáo khoa.
"Việc này không phải trách nhiệm của riêng Bộ trưởng, nhưng cử tri và đại biểu mong muốn được giải thích rõ là có khó khăn gì trong việc đưa giá sách giáo khoa vào diện bình ổn giá. Chứ chúng ta cứ trả lời sắp tới, sắp tới, nhưng các em học sinh sẽ bị lỡ nhịp. Cần nói rõ để phụ huynh và học sinh biết khi nào giá sách giáo khoa ở mức phù hợp, lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, nhà nước, học sinh, phụ huynh", bà Giao nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng nói câu chuyện này "đã nói từ lâu rồi", nên cần sớm đưa sách giáo khoa vào loại hàng hóa đặc biệt, cần thẩm định giá. Nhà nước trợ giá cho học sinh vùng khó khăn càng sớm càng tốt. Luật Giá sắp tới cần phải sửa đổi điều này một cách tốt nhất, phục vụ cho các gia đình có con đi học.
Đáp lại, Bộ trưởng nói ý kiến trợ giá sách giáo khoa cho học sinh vùng sâu, vùng xa là rất có ý nghĩa. Việc này do Quốc hội xem xét, quyết định. Ông cũng hoan nghênh việc sách giáo khoa phải kê khai giá trong Luật Giá.
Hai bộ hợp lực bình ổn giá sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội các giải pháp ổn định lâu dài cho giá sách giáo khoa.