Trong phiên chất vấn ngày 5-6/6, Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến những bất cập của ngành du lịch Việt Nam.
Vết nhơ của du lịch Việt Nam
"Việc đoàn khách Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan chưa từng có trong tiền lệ, để lại hệ lụy nặng nề, làm xấu hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Như vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Và phương án giải quyết để tránh những trường hợp tương tự trong thời gian tới?", đại biểu quốc hội Châu Quỳnh Giao chất vấn bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.
Người đứng đầu bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho rằng: "Vụ đoàn khách bỏ trốn tại Đài Loan là vết nhơ của ngành du lịch Việt Nam. Trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương. Tiếp đến là công tác thanh tra, kiểm tra chưa tốt".
Bộ trưởng nhận định bài học rút ra từ sự cố trên là công tác quản lý, cấp phép cho các công ty lữ hành quốc tế cần phải chặt chẽ hơn; cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các công ty lữ hành đang hoạt động. Bên cạnh xử lý vi phạm, cơ quan quản lý cũng đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân nên chọn các công ty lữ hành có uy tín, không ham rẻ rồi bị lừa.
"Tour 0 đồng là lừa đảo"
Tour du lịch giá rẻ, tour 0 đồng là vấn đề được nhiều đại biểu quốc hội đề cập trong phiên chất vấn với Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định tour 0 đồng là lừa đảo, phải xử lý nghiêm. Bộ trưởng cho rằng, các tour du lịch giá rẻ thường cắt bớt điểm tham quan, đưa du khách vào những điểm mua sắm giá cao để bù đắp lại.
"Đây thực chất là lợi dụng du lịch để lừa đảo chứ không phải du lịch. Việc xử lý các vi phạm đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các bộ ngành liên quan, ví dụ như bộ Công thương, bộ Công an và chính quyền địa phương", ông nói.
Ở cấp địa phương, tour du lịch 0 đồng chủ yếu nhắm vào các đoàn thể, hội nhóm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan đoàn thể. Ở cấp quốc gia, đại diện bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng đã làm việc với cơ quan quản lý du lịch của các nước đưa khách đến Việt Nam để chống tour 0 đồng.
"Suy cho cùng, họ đưa khách đi thì vẫn phải trả tiền khách sạn, ăn ở và đặc biệt là các cửa hàng mua sắm. Vì vậy các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương phải phối hợp, xử lý tận gốc những biến tướng của tour du lịch giá rẻ, tránh làm ảnh hưởng đến bộ mặt ngành du lịch và thất thoát doanh thu", ông Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra giải pháp.
Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu 4 điểm nghẽn của ngành du lịch gồm hạ tầng; thị thực; công tác xúc tiến, quảng bá và nhân sự. Ông cho biết Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu đã và đang nỗ lực tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, kỳ vọng sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
"Du lịch không phải ngôi sao cô đơn"
Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch khẳng định "du lịch không phải ngôi sao cô đơn" như quan điểm của đại biểu, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, muốn phát triển cần sự phối hợp của toàn xã hội. Ông cũng chỉ ra liên kết các vùng du lịch, nhất là liên kết về hạ tầng, sản phẩm du lịch còn hạn chế.
Nhận định về lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết ngành du lịch có thể đạt chỉ tiêu 18 triệu du khách, lượng du khách Trung Quốc có dấu hiệu giảm cũng là vấn đề cần được lưu ý. Ông nhận định du lịch biển chiếm khoảng 60% doanh thu, ngành du lịch cũng cần có thêm những sản phẩm mới, phong phú hơn.
Ngoài ra, một số vấn đề về du lịch tâm linh, biển đảo, rác thải và tôn tạo các di tích lịch sử cũng được đại biểu quốc hội và người đứng đầu bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đưa ra phân tích trong hai ngày chất vấn.
Xem thêm: Tranh cãi về việc miễn visa để thu hút thêm khách nhà giàu đến Việt Nam