Mở đầu phiên hiến kế về du lịch tại Diễn đàn kinh tế tư nhân diễn ra ngày 2/5 tại Hà Nội, ông Ngô Văn Tuấn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định 99% doanh nghiệp du lịch là tư nhân. Để phát triển ngành du lịch, các rào cản cần được tháo gỡ, hướng tới mục tiêu thu hút 17-20 triệu du khách quốc tế vào năm 2020.
Visa bị coi là nút thắt của du lịch Việt Nam
Một trong những rào cản được nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước nhắc đến là visa. Theo ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist, du khách sẽ cảm thấy không được chào đón khi gặp khó khăn trong việc cấp visa. Ông Sơn đề xuất Chính phủ có những lộ trình cụ thể để miễn visa cho nhiều quốc gia hơn. "Chúng ta cũng có thể chủ động cấp visa 5-10 năm cho một số thị trường khách đặc biệt, những người có thu nhập cao, thân nhân tốt, thường xuyên đi du lịch. Như vậy ngành du lịch mới sẵn sàng mở cửa, chào đón thêm nhiều du khách có chi tiêu cao", đại diện Saigontourist nói.
Đồng quan điểm với ông Sơn, ông Phạm Hà, đại diện công ty du lịch Sang Trọng cho rằng visa đang là một trong bốn nút thắt của du lịch Việt Nam, cần được giải quyết càng sớm càng tốt. Ngoài việc miễn visa, ông Hà cũng đề nghị tăng thời gian lưu trú cho khách nước ngoài từ 15 ngày lên 30 ngày và có thể dài hơn nếu được. "Chúng ta muốn cạnh tranh với Thái Lan hay các nước khu vực thì ít nhất chúng ta cũng phải miễn thị thực nhiều bằng họ", ông Hà cho rằng Việt Nam là điểm đến an toàn, tổ chức được nhiều sự kiện quốc tế thì không có lý do gì không thể không miễn visa.
Dẫn chứng về việc chính sách visa ảnh hưởng như thế nào đến ngành du lịch, đại diện hãng hàng không Vietjet Air, ông Đinh Việt Phương cho biết, mỗi ngày hãng có 15 chuyến bay thẳng từ Việt Nam đi Hàn Quốc. Lượng khách du lịch tăng đột biến khi Hàn Quốc cấp visa 5 năm cho người Việt.
Vì sao Việt Nam chỉ miễn visa cho 13 quốc gia?
Việt Nam hiện đơn phương miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia; áp dụng cấp visa điện tử cho 80 nước. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết ở chiều ngược lại, trong số 10 triệu người Việt du lịch nước ngoài mỗi năm, công dân còn gặp nhiều khó khăn khi xin visa, kể cả ở những nước Việt Nam đơn phương miễn visa. "Đây là điều cần lưu ý khi xây dựng chính sách liên quan đến thị thực, để đảm bảo yếu tố có đi có lại, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam", ông Dũng nói.
Theo lộ trình được Chính phủ chỉ đạo về đơn phương miễn thị thực cho các quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Công An và nhiều đơn vị liên quan đang xây dựng cơ chế chính sách trong việc xuất nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch.
Đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại Giao, bà Nguyễn Thị Hương Lan cho rằng chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam.
Bà Hương Lan dẫn chứng báo cáo từ Tổng Cục Du lịch, tỷ lệ tăng trưởng khách từ các quốc gia không miễn thị thực đơn phương như Mỹ hay Canada còn cao hơn những nước được miễn thị thực.
Theo đại diện Cục Lãnh sự, việc miễn thị thực đơn phương để tạo điều kiện thuận lợi cho khách cần đi đôi với cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trong nước. Bà Hương Lan còn cho rằng thị thực chỉ là một trong các tiêu chí để đánh giá độ mở với quốc tế, không hoàn toàn quyết định năng lực cạnh tranh du lịch của một nước. Ví dụ như những quốc gia như Tây Ban Nha, Nhật Bản hay Mỹ có năng lực cạnh tranh về du lịch xếp hạng cao dù chính sách miễn thị thực không quá cởi mở.
Cùng quan điểm với đại diện Cục Lãnh sự, Đại tá Nguyễn Văn Thống, đại diện Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công An cho rằng miễn thị thực không phải tiêu chí để du khách chọn Việt Nam là điểm đến du lịch.
Dẫn chứng về việc này ông Thống lấy ví dụ khách Trung Quốc trong thời gian qua luôn chiếm khoảng 30% lượng khách nhập cảnh Việt Nam, dù công dân nước này không được miễn visa.
Đại tá Thống cũng khẳng định việc xin thị thực vào Việt Nam rất đơn giản, chỉ 3 ngày là xong. Các thủ tục hải quan nhập cảnh vào Việt Nam cũng rất đơn giản và nhanh chóng, tạo điều kiện tối đa cho du khách.
Đại diện Cục Xuất nhập cảnh cho biết sẽ tham gia lấy ý kiến cùng Bộ Công An để sửa đổi và bổ sung một số điều trong Luật 47, nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam. Ngoài ra Bộ Công An cũng đang đưa vào luật hoá thị thực điện tử để thủ tục ổn định, có cơ sở pháp lý để thực hiện, nhằm cải cách thủ tục hành chính.
Tranh cãi về việc miễn visa
Không đồng tình với ý kiến cho rằng việc miễn visa không ảnh hưởng đến du lịch, ông Lương Hoài Nam - Phó TGĐ Công ty hàng không Ngôi Sao Việt, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) lấy ví dụ về việc Thái Lan đón một triệu du khách Việt Nam trong năm 2018.
"Nếu Thái Lan không miễn visa thì có bao nhiêu người Việt sang Thái Lan?", ông Nam nói và khẳng định, visa là vấn đề quan trọng trong chính sách du lịch của tất cả các nước lớn.
Khi đi tiếp xúc với nhóm khách hàng giàu, những người nằm ngoài danh sách 13 nước được miễn visa, ông Nam luôn được họ đặt câu hỏi: "Tại sao các nước xung quanh như Thái Lan, Singapore, Malaysia đều miễn visa cho chúng tôi mà Việt Nam thì không?".
Ông Nam cho rằng miễn visa là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu trong việc phát triển của ngành du lịch, quan trọng là các cơ quan có thể hỗ trợ đến đâu chứ không thể nói là không quan trọng.
Đồng ý với ông Lương Hoài Nam, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng visa rất quan trọng vì nó tạo thiện cảm đầu tiên cho du khách khi đến Việt Nam. Các nước trong khu vực đã sử dụng visa như một "vũ khí" để cạnh tranh du lịch, Việt Nam cũng cần xem đó là bài học để nghiên cứu thêm.
Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam cho rằng Chính phủ cũng cần minh bạch các thông tin liên quan đến thị thực. Ông dẫn chứng về việc các trang web, chính sách liên quan đến visa rất khó tìm và mất thời gian. Du khách quốc tế gặp nhiều khó khăn trong việc trong việc tìm thông tin, kết quả về việc xét thị thực.
Bà Nguyễn Thị Huyền, đại diện Vietrantours cho rằng, thủ tục cấp visa của Việt Nam được cho là cởi mở nhưng chưa thật sự thông thoáng đúng nghĩa. Ví dụ như việc cấp thị thực tại cửa khẩu của Việt Nam, khách vẫn cần hoàn tất các thủ tục sau đó mang công văn đến cửa khẩu rồi mới được cấp visa. Trong khi đó, Thái Lan chỉ yêu cầu du khách về tờ khai, ảnh, hộ chiếu, vé máy bay, xác nhận nơi cư trú là có thể được cấp visa ngay tại cửa khẩu.
Đề xuất chính sách visa linh hoạt
Trên thực tế, việc miễn visa đã được nhiều doanh nghiệp du lịch đề xuất từ năm 2016, tuy nhiên vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ, chưa tìm được tiếng nói chung giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Để cân bằng lợi ích giữa các bên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, đại diện Vietravel đề xuất chính sách visa linh hoạt. "Chúng tôi không đề xuất bỏ visa, vì tâm lý chẳng ai muốn bỏ cái gì cả. Nhưng chúng tôi muốn đề xuất một chính sách visa linh hoạt".
Ông Kỳ cho rằng chúng ta có thể cấp theo từng thị trường, theo mùa khách đông - vắng hoặc theo sự kiện lớn như giải đua xe F1, Seagames, Festival Huế, Vesak...
Đại diện Vietravel cũng chỉ ra những bất cập trong việc miễn thị thực cho 13 quốc gia. "Có những nước chúng ta miễn visa nhưng chẳng có khách nào đến hoặc thị phần không tăng. Trong khi những nước cần miễn thì lại tăng trưởng tốt. Do đó cần điều chỉnh lại cho đúng", ông Kỳ phát biểu.
Ghi nhận những ý kiến của doanh nghiệp lữ hành, hàng không, đại diện Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ luôn sát cánh với ngành du lịch, tiếp tục lắng nghe và xây dựng những chính sách mới, tạo điều kiện cho du khách quốc tế vào Việt Nam ngày càng dễ dàng hơn.