Trong khi đề xuất miễn visa để thu hút thêm khách chi trả cao vẫn còn gây tranh cãi tại phiên hiến kế thuộc Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam ngày 2/5, thị thực điện tử (e-visa) được xem là lựa chọn tốt nhất hiện nay để cân bằng lợi ích giữa các bên.
Theo ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc công ty Oxalis, đơn vị đang khai thác tour Sơn Đoòng, việc miễn visa không chỉ tốt cho khách du lịch mà còn tạo điều kiện cho cả những chuyên gia đến Việt Nam để nghiên cứu thị trường, tham gia hội nghị.
Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn nhiều lý do chưa thể mở rộng diện miễn visa cho các nước. "Do đó e-visa hiện là giải pháp hữu hiệu Việt Nam có thể làm để thu hút thêm khách du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới", ông Châu Á nhận định.
Hiện 80 quốc gia nằm trong danh sách được thí điểm cấp visa điện tử vào Việt Nam. Đánh giá về tác động của e-visa đến lượng khách quốc tế vào Việt Nam, ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho rằng chính sách thị thực của Việt Nam đã thông thoáng hơn rất nhiều trong vài năm trở lại đây. Những thị trường được thí điểm e-visa có tốc độ tăng trưởng nhanh, thúc đẩy hãng mở thêm các đường bay quốc tế mới.
Trên thế giới, ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận được những tác động tích cực từ e-visa. Đại diện hãng hàng không Turkish Airlines cho biết 5 năm trước, du khách chỉ có cách duy nhất là nộp hồ sơ tại Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng từ khi cấp visa điện tử, lượng khách đã tăng đột biến. "Riêng trong năm 2018, Turkish Airlines đã phục vụ khoảng 8.000 lượt khách Việt đến Thổ Nhĩ Kỳ, 4 tháng đầu 2019, con số này đã cán mốc 4.000", người này dẫn chứng.
Các thủ tục xin e-visa của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đơn giản, du khách chỉ cần làm theo các hướng dẫn (có lựa chọn tiếng Việt). Hệ thống sẽ lập tức trả kết quả hồ sơ có đủ điều kiện làm e-visa. Sau đó, một email sẽ gửi đến du khách và hướng dẫn thanh toán. Sau khi thanh toán xong, e-visa được gửi về email, du khách chỉ cần in ra và mang theo hộ chiếu đến quầy hải quan là có thể nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Đánh giá về những thuận lợi của e-visa sau hai năm thí điểm, bà Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao kiến nghị thay thế việc miễn thị thực đơn phương bằng e-visa.
Trên thực tế, với những khách có mức chi trả cao, chi phí 25 USD để làm e-visa không phải vấn đề. Bài toán đặt ra là làm sao để thủ tục xin visa điện tử được thuận tiện nhất cho khách nước ngoài. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel cho rằng thủ tục xin visa của Việt Nam chưa thật sự thông thoáng. "Cứ thử là một khách nước ngoài hay Việt kiều, lên đăng nhập vào hệ thống e-visa là biết nó khó như thế nào".
Chung nhận định với ông Kỳ, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) nhận định: "Mức phí visa không quá quan trọng mà phải giảm nhiêu khê khi làm thủ tục".
Theo đó, TAB đề xuất nâng cấp hệ thống trang web, tốc độ truy cập; chỉ sử dụng một tên miền ngắn gọn (như evisa.gov.vn) và công bố rộng rãi để du khách dễ tìm kiếm. Trên hệ thống cũng cần minh bạch các thông tin liên quan đến thị thực, kết quả xét duyệt để khách quốc tế dễ dàng tra cứu.
Kim Cương
Xem thêm: 'Visa vào Việt Nam' - Nỗi khổ của người làm du lịch.