-
16h55
Nghiên cứu chương trình phục hồi riêng cho các cực tăng trưởng
Trả lời đại biểu Hà Phước Thắng (TP HCM) về những giải pháp trọng tâm khôi phục, phát triển kinh tế các tỉnh, thành phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết vẫn chưa nghiên cứu cụ thể vấn đề này, mới nghiên cứu chương trình phục hồi chung của cả nền kinh tế.
Các tỉnh phía Nam đóng góp rất lớn cho đất nước, cả GDP lẫn thu ngân sách, giải quyết việc làm. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói có thể nghiên cứu chương trình phục hồi riêng cho các cực tăng trưởng, vùng kinh tế trọng điểm. Nội dung có thể xem xét là phát triển hạ tầng, đào tạo lại nguồn lao động, thu hút đầu tư; xem xét hỗ trợ từ trung ương, nỗ lực của bản thân các địa phương...
"Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng, nghiên cứu cẩn trọng và báo cáo Quốc hội sau", ông Dũng nói.
-
16h50
Liên kết vùng chưa phát triển vì khó 'góp gạo thổi cơm chung'
Đại biểu Hà Phước Thắng (TP HCM) cho biết, hiện vùng kinh trọng điểm kinh tế phía Nam rất quan trọng, mỗi năm đóng góp khoảng 45% GDP cả nước. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả liên kết vùng thời gian qua, định hướng, giải pháp và những đề xuất để giúp nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác của vùng năm 2022 và giai đoạn 2022-2025.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, liên kết vùng đã đặt ra nhưng thực hiện "chưa được bao nhiêu" vì thiếu ba vấn đề. "Thật ra chúng ta thiếu quy hoạch vùng, thiếu nguồn lực đầu tư cho hạ tầng liên kết vùng, thiếu một cơ chế điều phối hợp tác liên kết phát triển vùng", ông nói.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch Đầu tư được giao nhiệm vụ lập quy hoạch vùng, tìm cơ chế, thể chế cho các vùng và xây dựng cơ chế điều phối liên kết vùng.
Vì Việt Nam không có chính quyền vùng, không cấp ngân sách vùng, trong vùng tỉnh nào có ngân sách tỉnh đó, không dùng chung. Do đó, ông nói rất khó thống nhất "góp gạo thổi cơm chung".
Ông nêu ví dụ thêm, khi quy hoạch các công trình trường học, bệnh viện thì tỉnh nào cũng sẵn sàng nhận, nhưng nếu là nghĩa trang hay bãi xử lý rác thải thì lại không tỉnh nào muốn nhận. "Chúng tôi đứng ở giữa, khi lập quy hoạch vùng rất khó xử, phải làm thế nào để hài hòa, thống nhất, có cơ sở khoa học, luận cứ để thuyết phục các địa phương đồng tình là đường thì đặt chỗ này, khu công nghiệp chỗ kia...", Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư chia sẻ.
-
16h45
'Không nới trần nợ công, tăng bội chi sẽ lỡ cơ hội phát triển'
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển hỏi bộ trưởng quan điểm về việc chấp nhận vượt trần ngân sách, tăng nợ công để có gói cứu trợ đủ lớn hay không.
Ông dẫn ý kiến nhiều chuyên gia cho thấy, để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch cần gói hỗ trợ đủ lớn, đặc biệt là gói tiền mặt tương đương 3-4% GDP.
Không chỉ hỏi quan điểm Bộ trưởng Dũng, ông Hiển cũng gửi câu này đến Bộ trưởng Tài chính và Thủ tướng.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu hỗ trợ bằng tiền mặt, tung tiền ra thị trường, cấp tiền cho dân, nguy cơ và rủi ro rất lớn là tăng lạm phát. Do đó, ông Dũng ủng hộ quan điểm nới bội chi và nợ công "trong một khoảng mà chúng ta có thể kiểm soát được".
"Nếu không rất khó có điều kiện tăng trưởng. Nếu không tăng trưởng thì khó đạt mục tiêu 5 năm, chiến lược 10 năm rồi khát vọng đến năm 2045 là nước phát triển", ông Dũng nói.
Đồng thời, theo ông Dũng, nếu không làm, có thể bỏ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dân số vàng, các hiệp định thương mại tự do, những chuyển dịch mới.
"Như vậy vừa phát triển, giải quyết việc làm, giúp quy mô nền kinh tế lớn hơn, khi đó tự khắc nợ công sẽ giảm xuống dù không thể về như cũ. Còn nếu không nới, không có đầu tư, không có phát triển, sẽ là vòng luẩn quẩn là bội chi, nợ công lúc nào cũng ở mức cao trong khi chúng ta bỏ hết cơ hội phát triển", Bộ trưởng Dũng nêu quan điểm.
-
16h31
'Nói chậm giải ngân vốn đầu tư công do địa phương thì tội địa phương'
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu như vậy khi tranh luận lại với trả lời của Bộ trưởng về nguyên nhân vốn đầu tư công giải ngân chậm là địa phương chứ không phải bộ ngành. Theo ông Hòa, các dự án nhóm A trọng điểm quốc gia do bộ, ngành trung ương thẩm định. "Nếu có địa phương chậm thì đó là nơi nào, phải chỉ rõ để xử lý; bộ ngành trung ương thẩm định nhóm dự án A chậm thì ai chịu trách nhiệm cũng phải làm rõ", ông nói.
Theo ông Hòa, việc giao vốn và ghi dự án song song là bất cập. Dự án chưa phê duyệt xong, thậm chí mới thẩm định sơ bộ, chưa thẩm định chính thức thì đã kèm theo vốn. Dự án chưa xong thì không thể giải ngân, nên "bất cập cần điều chỉnh".
Trả lời sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các dự án nhóm A địa phương thẩm định. "Chúng tôi luôn nỗ lực không để chậm một ngày, một giờ nào. Còn quy trình thủ tục gồm nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan để tổng hợp lại có thể chậm, chúng tôi rút kinh nghiệm và cố gắng cao nhất", ông Dũng nói.
Nói sau ông Hòa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải "chia lửa" với Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư, giải trình về vấn đề này. Đơn cử như sân bay Long Thành, đường cao tốc phía đông giai đoạn 1 vì sao tiến độ chậm, một số dự án hiện ký hợp đồng nhưng không thu xếp được vốn thì giải quyết thế nào?
-
16h30
Lời hứa đầu tư 2 tỷ USD cho Đồng bằng sông Cửu Long
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nhắc lại câu chuyện Chính phủ hứa đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long 2 tỷ USD, nhưng Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa hoàn thành. "Chưa phê duyệt thì làm sao giải ngân. Nếu không phê duyệt thì trong cả giai đoạn 2021-2025, số tiền 2 tỷ USD Thủ tướng hứa Đồng bằng sông Cửu Long cũng không nhận được", ông Hòa nói và đề nghị các bộ ngành sớm hoàn thành Quy hoạch.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nói thêm: "Quy hoạch về đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng nêu là "sẽ" nhưng chưa hẹn ngày cụ thể. Vậy có thể trả lời khoảng thời gian nào có thể phê duyệt".
Trả lời, Bộ trưởng Dũng cho biết những gì thuộc về Bộ ông sẽ cố gắng làm nhanh nhất. "Cố gắng trong tháng 12 này, Thủ tướng có thể phê duyệt quy hoạch", ông nói.
-
16h25
Không đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp
Trả lời ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc, Bộ trường Nguyễn Chí Dũng cho biết mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp tại nhiệm kỳ trước, trên thực tế, là "không đạt được". Với mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025 trên cơ sở tốc độ tăng trưởng những năm qua, trên điều kiện, môi trường khuyến khích thuận lợi. Tuy nhiên, ông Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận, đây là mục tiêu thách thức, cần giải pháp căn cơ.
Một trong những điều kiện để thực hiện mục tiêu này là tập trung phát triển hộ kinh doanh. Hiện Việt Nam có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, với 8 triệu lao động, tuy nhiên hiện vẫn chưa có một môi trường pháp lý phù hợp. Trong nhiệm kỳ trước, Chính phủ có đề xuất bổ sung vào Luật doanh nghiệp, tuy nhiên Quốc hội đề nghị tách thành luật riêng. Theo đó, Bộ trưởng Dũng cho biết thời gian tới sẽ xây dựng luật riêng cho hộ kinh doanh cá thể, tạo điều kiện cho nhóm này chuyển thành doanh nghiệp.
"Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp có thể đạt được nếu có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hộ kinh doanh chuyển sang thành doanh nghiệp", Bộ trưởng nói.
-
16h20
Chặn người nước ngoài núp bóng mua đất khu vực nhạy cảm
Đại biểu Vũ Trọng Kim tham gia tranh luận sau khi Bộ trưởng đề cập đến "đất không sạch" gây khó khăn cho đầu tư, phát triển. Điều này khiến ông Kim nhớ lại tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đã chất vấn có 162.000 ha do người Trung Quốc sở hữu trên toàn đất nước, trong đó có 63.000 ha đất biên giới, ven biển.
"Chúng tôi có chất vấn rằng vấn đề này phải làm cho rõ ràng. Báo chí, người dân, cử tri có thắc mắc rằng người Việt Nam tiếp tục núp bóng mua cho người nước ngoài và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc này vi phạm Luật Đất đai, vì là người mua dùm, mua thay. Việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành giám sát, kiểm tra thế nào?", ông Kim truy.
Thời gian tới, ông đề nghị Chính phủ đề xuất sửa Luật Đất đai, Luật Đầu tư thế nào để khắc phục tình trạng này, bởi "cứ đầu tư thế này thì không đảm bảo cho quá trình phát triển, sử dụng đất đai tới đây".
Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói chưa có điều kiện nắm rõ tình hình thực tế tại địa phương và sẽ tham mưu Chính phủ có chính sách để quản lý được việc đất đai hiện nay có các nhà đầu tư nước ngoài núp bóng dưới doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam để thâu tóm, chiếm giữ đất này, nhất là ven biển, sát biên giới là vùng rất nhạy cảm. "Chúng tôi đánh giá cao ý kiến đại biểu Kim và sẽ nghiên cứu, tìm hiểu", ông Dũng nói.
-
16h00
Bộ trưởng 'nhận một phần trách nhiệm' trong hạn chế giải ngân vốn đầu tư công
Trả lời đại biểu Tạ Văn Hạ về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cho biết vấn đề không nằm ở luật pháp. "Vấn đề đầu tư công đến nay rất rõ ràng và đầy đủ, trên tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương, không còn vấn đề gì lên đến trung ương. Chúng tôi quản lý chung cũng bằng hệ thống công nghệ thông tin, không cần gặp nhau hay giấy tờ", ông Dũng nói.
Theo Bộ trưởng, các nội dung bộ, ngành, địa phương đều đưa lên hệ thống rất thông thoáng và đồng bộ. "Thấy đúng thì Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng, không phù hợp thì yêu cầu các tỉnh làm lại", ông nói.
Do đó, theo ông Dũng, giải ngân vốn đầu tư công thấp "nằm ở tổ chức thực hiện". Nhắc lại lời Chủ tịch Quốc hội, ông nói, tại sao cùng một thể chế mà có địa phương đã giải ngân 100% vốn, thậm chí còn vượt số được giao, ứng tiền ra trước để làm, mà có tỉnh chỉ giải ngân được 18%? Đến cuối năm nay, dự báo giải ngân không thể cao được bằng năm 2020, chỉ đạt 80-85%.
Một nguyên nhân khác, theo ông Dũng, là do các địa phương, bộ ngành thờ ơ hoặc chưa làm hết trách nhiệm, lập kế hoạch không sát, đề xuất vốn lớn nhưng thực tế không giải ngân được.
"Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng có một phần trách nhiệm, như nể nang, không hết trách nhiệm, chỉ tổng hợp rồi đưa lên con số không sát thực tiễn, con số lớn nên gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân. Do không sát thực tiễn nên dẫn đến phải điều chuyển vốn, trả lại vốn, đầu tư không hiệu quả...
"Chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm trong kế hoạch vốn mà các bộ, ngành, địa phương trình lên. Chúng tôi xin hứa khắc phục vấn đề này thời gian tới", ông Dũng nói.
-
15h45
'Người dân mong gói cứu trợ nhưng tiền chúng ta có lại chưa tiêu hết'
Về chậm giải ngân đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu "phải xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, cốt lõi và chúng ta phải đột phá ở đâu".
Năm 2020, giải ngân đầu tư công đạt kỷ lục 98%. 10 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư chưa được 50%. "Cùng môi trường thể chế như nhau nhưng sao đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp. Doanh nghiệp, người dân đều mong có gói kích thích mới, trong khi tiền chúng ta có còn chưa tiêu hết, năng lực hấp thu vốn của chúng ta như thế nào", Chủ tịch Quốc hội nêu. Trong đó, 16.000 tỷ đồng của ba chương trình mục tiêu quốc gia, theo Chủ tịch Quốc hội, đến nay chưa phân bổ được một đồng, 86.000 tỷ đồng của các địa phương cũng chưa phân bổ.
"Nếu chúng ta không làm rõ, dù Quốc hội chất vấn xong, có Nghị quyết, thì vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Trách nhiệm ở đâu phải làm rõ, tình hình kiểm tra giám sát giải quyết thế nào, không thể nói chung chung là vướng mắc", ông Huệ nói và đề nghị các cấp, các ngành, các bộ phải làm rõ câu chuyện này.
-
15h40
Chương trình hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn
Về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đang được giao để nghiên cứu, ông Dũng cho biết quan điểm Bộ như sau:
Thứ nhất là chương trình hỗ trợ phục hồi phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phải phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Các hỗ trợ cho cả phía cung và phía cầu của nền kinh tế, thực hiện linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, 5 năm; kế hoạch đầu tư công, tài chính công 5 năm; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế...
Đồng thời, chương trình cũng tập trung vào các chính sách tác động ngay, kịp thời hỗ trợ và phối hợp đồng thời, tính đến vấn đề dài hạn như xuất khẩu tiêu dùng nội địa; giữa các chính sách, giải pháp, gắn với cơ chế thực hiện để đảm bảo khả thi; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo khả thi, hiệu quả, gắn với nguồn lực và khả năng vay trả của nền kinh tế...
"Bộ dự tính báo cáo và nếu được Quốc hội thông qua sẽ thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023. Nếu Quốc hội thông qua kỳ họp cuối năm nay thì thực hiện đầu năm 2022 để đảm bảo các mục tiêu đề ra", ông Dũng nói.