Đăng đàn trả lời chất vấn chiều 11/11, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, đây không phải lần đầu vấn đề giải ngân đầu tư công được nêu tại kỳ họp Quốc hội. Nhưng trong phiên chất vấn lần này, hơn một lần người đứng đầu ngành tham mưu kinh tế tổng hợp đã phải "nói cho rõ về trách nhiệm" của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Đầu tiên, ông liệt kê hàng loạt nguyên nhân, cả chủ quan, khách quan như: Công tác chuẩn bị dự án kém, mang tính hình thức nhiều, qua loa. "Sau khi được chấp thuận chủ trương mới thực hiện một cách thực tế, lúc đó lại làm lại, sửa đi sửa lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian", ông nói.
Tiếp đến là giải phóng mặt bằng; công tác đấu thầu, không được bố trí vốn đối ứng... Riêng năm 2021, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phải giãn cách xã hội nên nguyên vật liệu, nhân công thiếu, chi phí tăng cao...
Nhìn tổng thể, Bộ trưởng cho rằng "nguyên nhân ở khâu thực hiện là chính". Từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A, B, C đều đã phân cấp địa phương. Bộ chỉ còn ba chức năng chính là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; đảm bảo chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí điều hành hằng năm. Khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã giao vốn một lần, một khoản cho các địa phương ngay từ tháng 11 năm trước.
"Vì vậy, vấn đề hiện nay là nằm ở địa phương", ông chốt.
Sau khi nghe phần trả lời này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tranh luận lại. "Nói chậm giải ngân vốn đầu tư công do địa phương thì tội địa phương quá", ông phát biểu.
Theo ông Hòa, các dự án nhóm A trọng điểm quốc gia do bộ, ngành trung ương thẩm định. "Nếu có địa phương chậm thì đó là nơi nào, phải chỉ rõ để xử lý; bộ ngành trung ương thẩm định nhóm dự án A chậm thì ai chịu trách nhiệm cũng phải làm rõ", ông nói.
Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng việc giao vốn và ghi dự án song song là bất cập. Dự án chưa phê duyệt xong, thậm chí mới thẩm định sơ bộ, chưa chính thức đã kèm theo vốn. Dự án chưa xong thì không thể giải ngân.
Trả lời tiếp sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn khẳng định, các dự án nhóm A địa phương thẩm định. "Chúng tôi luôn nỗ lực không để chậm một ngày, một giờ nào. Còn quy trình thủ tục gồm nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan để tổng hợp lại có thể chậm, chúng tôi rút kinh nghiệm và cố gắng cao nhất", ông Dũng nói.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người điều hành phiên chất vấn, yêu cầu phải xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, cốt lõi và phải đột phá ở đâu bởi sao cùng môi trường thể chế như nhau nhưng có đơn vị giải ngân cao, nơi lại thấp.
"Doanh nghiệp, người dân đều mong có gói kích thích mới, trong khi tiền chúng ta có còn chưa tiêu hết, năng lực hấp thu vốn của chúng ta như thế nào", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Hết 10 tháng năm 2021, tỷ lệ giải ngân mới đạt khoảng 50%, 16.000 tỷ đồng của ba chương trình mục tiêu quốc gia, theo Chủ tịch Quốc hội, đến nay chưa phân bổ được một đồng, 86.000 tỷ đồng của các địa phương cũng chưa phân bổ.
"Nếu chúng ta không làm rõ, dù Quốc hội chất vấn xong, có Nghị quyết, vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Trách nhiệm ở đâu, không thể nói chung chung là vướng mắc", ông Huệ nói và đề nghị các cấp phải làm rõ câu chuyện này.
Sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận Bộ "có một phần trách nhiệm", như nể nang, chỉ tổng hợp rồi đưa lên con số không sát thực tiễn, con số lớn nên gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân. Do không sát thực tiễn nên dẫn đến phải điều chuyển vốn, trả lại vốn, đầu tư không hiệu quả...
"Chúng tôi xin hứa khắc phục vấn đề này thời gian tới", ông Dũng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn vào sáng 12/11.
Minh Sơn - Viết Tuân - Hoàng Thùy
Xem diễn biến chính