Mosuo là bộ tộc Phật giáo cổ xưa tại tỉnh Vân Nam, thung lũng phía tây nam Trung Quốc, gần chân núi phía đông của dãy Himalaya. Những người dân tại đây theo chế độ mẫu hệ, tức người đàn ông không được coi trọng, còn phụ nữ mới là người chủ gia đình. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều được phép có bao nhiêu bạn đời tuỳ thích mà không cần lo lắng bị xã hội phán xét.
Người Mosuo thường có một cuộc tình chóng vánh. Theo đó, người đàn ông sẽ tới nhà phụ nữ vào ban đêm và treo mũ trước cửa để thông báo cho những người khác. Mối quan hệ này có thể kéo dài từ một đêm tới lâu dài, nhưng họ không bao giờ sống chung hay đồng ý gắn bó với nhau trọn đời. Với phụ nữ Mosuo, đàn ông giống như "người hiến tặng tinh trùng tự nguyện", theo The Guardian.
Choo Waihong, một luật sư nghỉ việc ở Singapore để lên đường đi du lịch vòng quanh thế giới vào năm 2006. Sau khi đọc về Mosuo, cô quyết định tìm tới bộ tộc, nhưng thay vì chỉ tập trung vào những ngôi làng xinh đẹp quanh hồ Lugu nổi tiếng, Waihong đã tìm thấy một điều còn mới mẻ hơn thế.
“Tôi lớn lên trong một thế giới nơi đàn ông làm chủ”, Waihong chia sẻ. “Vì lẽ đó, tôi và cha đã cãi nhau rất nhiều. Nhưng xã hội ở Mosuo thật khác. Nó là nguồn cảm hứng cho những người phụ nữ như tôi”.
Chỉ trong vài ngày sống cùng bộ tộc, Waihong nhanh chóng phát hiện ra những đứa trẻ Mosuo chỉ sống với bà, mẹ, cô, dì. Đối với người ngoài, đây là vùng đất của những bà mẹ đơn thân. Nhưng trên thực tế, người Mosuo lại cho rằng hôn nhân không cần thiết. Một đứa trẻ “không cha”, đơn giản chỉ vì Mosuo không quan tâm cha nó là ai. “Gia đình hạt nhân chúng ta thấy ngoài kia thực ra có tồn tại ở Mosuo, chỉ là dưới hình thức khác mà thôi”, Waihong cho biết.
Ở Mosuo, phụ nữ sở hữu và kế thừa tài sản, ruộng đất, nuôi dạy và chăm sóc con cái. Đàn ông làm việc nặng như cày ruộng, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, giết mổ gia súc, thực hiện các quyết định của “cụ bà tộc trưởng” và chăm sóc các cháu trong dòng họ.
Tuy nhiên, có sự thay đổi kể từ khi khách du lịch Trung Quốc tràn vào làng của người Mosuo từ những năm 1990. Họ làm đường, sân bay, xây khách sạn, tạo việc làm cho người Mosuo, khiến cách sống truyền thống của bộ tộc dần trở nên lạc lõng giữa những người trẻ tuổi. Các cô gái bắt đầu kết hôn với người ngoại tộc, sống cùng chồng và con trai, thay vì chỉ ở nhà mẹ đẻ như trước.
“Nhờ có du lịch mà suy nghĩ của người Mosuo trở nên cởi mở hơn, nhưng các cô gái vẫn luôn biết có bàn tay của bà, của mẹ che chở mỗi khi trở về quê hương”, Waihong nói.