Bộ tộc Mustang có 7.000 người sinh sống rải rác khắp khu vực rộng 2.000 km2 trong thung lũng sông Kali Ghandaki. Họ tự gọi là “Vùng đất của người Lo”. Mustang (có nghĩa là "đồng bằng màu mỡ") nằm trên cao nguyên lộng gió giữa Tây Tạng và phần tây bắc Nepal, là một trong những vùng đất xa xôi nhất thế giới. Mặc dù có mối gắn kết chặt chẽ với tôn giáo, văn hóa và lịch sử Tây Tạng nhưng trên thực tế vùng đất này lại thuộc sở hữu của Nepal. Trước kia, những con đường nằm dọc theo dòng sông là tuyến giao thương lớn, người dân đổi muối từ hồ trong khu vực và len từ những con bò Tây Tạng lấy ngũ cốc và gia vị từ các thương lái Ấn Độ. Truyền thống của người Mustang có mối liên hệ mật thiết với Phật giáo. Phần lớn thành viên trong bộ tộc tin rằng trái đất phẳng, bệnh tật do ma quỷ gây ra và chỉ có thể bị xua đuổi khi các nhà sư làm lễ trừ tà. Ở đây có một phong tục lạ lùng là anh em trong gia đình có chung một vợ. Phong tục này bắt nguồn từ niềm tin tôn kính của người Mustang đối với phong tục Tây Tạng cổ. Ngoài ra, điều này cũng xuất phát từ thực tế là đất đai của người Mustang rất hiếm và cằn cỗi. Nếu mỗi người lấy một vợ riêng thì đất đai sẽ bị chia cắt thành nhiều phần, khiến cho gia đình trở nên nghèo đói hơn. Các nhà sư, thầy lang vẫn sử dụng phương pháp chữa bệnh của người Tây Tạng có lịch sử cách đây hơn 2.000 năm. Họ tin con người là chủ thể vi mô của vũ trụ, được tạo nên bởi năm nhân tố: đất, lửa, nước, không khí và không gian. Khi những nhân tố này chịu áp lực và xung đột lẫn nhau sẽ gây ra bệnh tật cho con người. Người Lo tôn sùng đạo Phật Tây Tạng. Trong đó, tu viện, những buổi lễ cầu nguyện và lễ hội Tiji là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Hầu như mỗi làng đều có một tu viện rất lớn và lộng lẫy. Điều này thể hiện vị trí quan trọng của tôn giáo đối với người trong bộ tộc. Ngoài ra trong mỗi gia đình cũng thể hiện sự sùng đạo với truyền thống người con trai cả thừa kế gia sản, còn người con thứ hai sẽ được dâng cho tu viện vào năm sáu hoặc bảy tuổi. Ngày nay, khi văn hóa Tây Tạng đang dần mai một và có nguy cơ biến mất, Mustang vẫn được gìn giữ nguyên vẹn và cũng là một trong những nền văn hóa Tây Tạng cuối cùng còn tồn tại trên thế giới. Cuộc sống của người dân chủ yếu xoay quanh việc chăn nuôi gia súc, làm nông nghiệp và giao thương. Từ năm 1992, khu vực này mở cửa đón khách du lịch và từ đó, công việc kinh doanh các dịch vụ du lịch mang lại nguồn lợi về kinh tế. Người Mustang tin rằng có 1.080 con quỷ có thể xâm nhập vào cơ thể gây ra những căn bệnh chết người. Khi một ai đó mắc bệnh, các thầy lang sẽ viết một lá bùa cho một Lạt ma cúng và cầu tụng một trong tám vị thần để đánh đuổi con quỷ, chữa khỏi cho người bệnh. Mùa xuân là biểu tượng của sự sống sinh sôi nảy nở với những lễ hội mang đậm màu sắc truyền thống của người Mustang. Vào mùa hè, người Mustang từ khắp nơi đổ về Lo Manthang tham dự lễ hội ngựa Yarlung với những hoạt động độc đáo như đua ngựa, khiêu vũ... Mặc dù vẫn được công nhận rộng rãi trong cộng đồng người Mustang nhưng chế độ quân chủ chính thức bị xóa bỏ vào năm 2008 khi Nepal trở thành nước cộng hòa. Vị vua chính thức cuối cùng (được gọi là Raja hay Gyelpo) là Jigme Dorje Palbar Bista. Kể từ năm 1380, khi Ame Pal thành lập vương quốc Phật giáo Lo và xây dựng thủ đô Lo Manthang ở Mustang, thành phố được bao quanh bởi những bức tường đã thay đổi nhanh chóng và khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Trước năm 1991, Mustang không cho phép người ngoài vào khu vực lãnh thổ. Sau này lệnh đóng cửa được xóa bỏ, tuy nhiên hàng năm cũng chỉ có 1.000 du khách được phép tới tham quan do nhà vua tin rằng đây là cách duy nhất để có thể duy trì và bảo vệ vương quốc của mình. Xem thêm Bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ Ngọc Mai (theo Beforethey)Mở đường hành hương đến núi thiêng Tây Tạng Bylakuppe - tiểu Tây Tạng ở Ấn Độ