Một trong các biện pháp là hoán đổi nợ với Ngân hàng Cấp vốn liên bang (FFB) và Quỹ đầu tư cho người khuyết tật - nghỉ hưu (CSRDF). Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner hôm nay, Lew cũng lặp lại các biện pháp trên sẽ hết tác dụng trước ngày 17/10.
Khi chuyện đó xảy ra, "chúng ta sẽ chỉ còn khoảng 30 tỷ USD, kém xa chi phí dự kiến lên tới 60 tỷ USD", ông cho biết. Lew và Tổng thống Obama vẫn giữ quan điểm không nhượng bộ về trần nợ. Còn Boehner lại có cả một danh sách điều kiện thì mới chấp nhận nâng trần. Trong đó có yêu cầu sửa đổi luật thuế và hoãn thực hiện chương trình y tế của ông Obama (Obamacare) trong một năm. Đây cũng chính là các vấn đề đang gây bế tắc cho đàm phán ngân sách tại Quốc hội Mỹ, khiến Chính phủ phải đóng cửa từ ngày 1/10.
Bill Gross - Giám đốc quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới PIMCO cho rằng "Bộ Tài chính Mỹ là tâm điểm của các vấn đề tài chính phức tạp trên toàn cầu”. Vỡ nợ là điều "không thể tưởng tượng được" và sẽ có hậu quả "khủng khiếp" lên chi phí đi vay của Mỹ. Việc này cũng sẽ châm ngòi cho "một chuỗi diễn biến phức tạp trên toàn cầu", gây sóng gió cho thị trường tài chính, ông nhận xét trên Bloomberg.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên 2,65% đầu giờ sáng nay tại New York (Mỹ). Thâm hụt ngân sách nước này tháng 6 là 4,3% GDP, giảm mạnh so với 10,1% đầu năm 2010 và là thấp nhất kể từ cuối 2008, khi Tổng thống Obama nhận nhiệm kỳ đầu tiên. Trong 11 tháng đầu tài khóa 2013, Mỹ thâm hụt 755,3 tỷ USD, thấp nhất trong 5 năm.
Thùy Linh